Nếu bị đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng, có thể lấy vỏ bưởi khô sao vàng thơm 12 g, vỏ quýt sao thơm 12 g, gừng tươi 3 lát, sắc với 300 ml nước lấy 100ml, chia làm hai lần uống trong ngày, dùng nóng.
Lá bưởi tươi, vỏ quả khô và nước ép múi bưởi tươi đều có thể dùng để chữa bệnh. Lá tươi thu hái được quanh năm. Quả thu hái vào mùa thu rồi gọt lấy vỏ. Vỏ gọt càng mỏng càng tốt và đem phơi trong nắng râm cho thật khô.
Lá bưởi tươi có khả năng sát khuẩn, dùng chữa cảm cúm. Vỏ quả khô chữa ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng, ho. Múi bưởi tươi ăn nhuận tràng, nước ép chữa tiêu khát (đái tháo đường), thiếu sinh tố C. Hạt bưởi chữa đau dạ dày.
Một số bài thuốc:
- Nếu bị cảm cúm, nhức đầu, sốt ho, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi, dùng các vị sau: lá bưởi 50 g, lá sả, lá hương nhu, lá tre mỗi thứ 20 g. Tất cả cho vào nồi, lấy lá chuối bịt kín miệng nồi, đun sôi 5 phút rồi đem xông. Khi xông cần chú ý rạch lá chuối từ từ cho hơi nóng bốc vừa phải. Trùm chăn kín cho người bệnh, xông trong vòng 10 phút, đến khi mồ hôi ra nhiều thì thôi và mở chăn ra từ từ. Sau đó dùng khăn mặt khô lau hết mồ hôi, tránh hướng gió lùa và đề phòng bỏng. Nhớ không được xông khi người bệnh yếu quá và khi mồ hôi ra nhiều.
- Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng: Hạt bưởi để cả vỏ cứng 100 g rửa sạch, cho vào một cốc thủy tinh to, rót vào 200 ml nước sôi, đậy kín, ủ nóng trong 2-3 giờ. Hạt bưởi sẽ tiết ra một chất nhầy làm cho cốc nước đặc, sánh như nước cháo, gạn bỏ hạt lấy nước uống sau bữa ăn khoảng hai giờ. Mỗi ngày uống một lần. Hằng ngày làm và uống liên tục đến khi nào thấy hết đau thì thôi. Thường uống như vậy từ 5-7 ngày người bệnh sẽ thấy dễ chịu và hết đau.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
|