Để chữa ho lâu ngày ở người già, lấy cùi bưởi (tức bóc bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài) đun chín cùng với đường phèn, mỗi ngày uống 50-100 g, rất hiệu quả.
Theo Đông y, quả bưởi vị chua ngọt, tính hàn, chạy vào tỳ, gan; tác dụng tiêu cơm, giảm viêm, điều khí, tiêu đờm. Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh cũng ghi bưởi vị chua, tính lạnh, ăn vào làm người thư thái, trị được chứng nôn nghén ở người mang thai, kém ăn, đau bụng, người bị tích rượu, ăn không tiêu.
Vỏ quả bưởi còn gọi là cam phao, có vị đắng cay, tính không độc; tác dụng thông lợi, trừ đờm, táo thấp, hòa huyết, giảm đau, trị tràng phong, đau ruột, tiêu phù thũng các loại. Tép bưởi có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón, giải nhiệt, chống háo khát, giải độc rượu... Hạt bưởi cũng dùng làm thuốc chữa các chứng đau dạ dày.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy bưởi rất thích hợp dùng điều trị các bệnh về huyết quản, đặc biệt là bệnh tim, động mạch vành. Nó còn làm giảm sự lắng đọng tiểu cầu, ngăn ngừa kết dính giữa các tiểu cầu lại với nhau làm tắc nghẽn mạch; song lại có tác dụng làm tăng tính ổn định của các chất trôi nổi trong máu. Ngoài ra bưởi còn có tác dụng kháng viêm, chống co giật.
Những phương thuốc chữa bệnh có dùng bưởi
Chữa ho: Bưởi 1 quả, bổ thành miếng hấp với gà để ăn. Người bệnh thể chất suy nhược hoặc khí hư không dùng nhiều.
Ho khan, tắc đờm, ăn uống không tiêu: Phần vỏ xanh ngoài cùi bưởi (Đông y gọi là hóa hồng) 10-20 g, sắc lấy nước uống.
Ho khan: Lấy vỏ bưởi nghiền thành bột, kết hợp với ngư tinh lượng vừa đủ, đun nóng. Ngày uống 4 lần, mỗi lần 3-6 g.
Chữa tiêu hóa không tốt: Dùng vỏ bưởi, hạt củ cải trắng lượng bằng nhau, nghiền nát, ngày uống 3-5 g.
Chữa tức ngực, đau sườn do khí thượng, chán ăn do giận dữ ảnh hưởng đến gan: Vỏ của một quả bưởi còn tươi, hành 2 củ. Vỏ bưởi nướng cháy lớp vỏ ngoài rồi cạo bỏ vỏ, ngâm trong nước sạch 1 ngày để vị đắng trong vỏ tan ra. Vớt vỏ cắt thành miếng cho vào nồi đun với nước, gần chín cắt nhỏ 2 củ hành cho vào, nêm mắm muối, ăn kèm vào các bữa ăn. Ngày 1 thang. Món ăn này có tác dụng giải uất trong gan, hạ khí, tiêu đờm.
Chữa phù thũng và phù thũng hậu sản: Vỏ bưởi khô và cao ích mẫu (hay cây ích mẫu) lượng bằng nhau, đem tán nhỏ trộn đều, uống mỗi lần 8 g với rượu vào lúc đói. Hoặc dùng mỗi vị 20-30 g sắc uống trong ngày.
Chữa phù thũng, trướng bụng: Vỏ bưởi đào, mộc thông, bồ hòn mỗi vị 20-30 g; diêm tiêu 12 g, cỏ bấc 8 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần vào khi đói. Cần ăn một khẩu mía trước và sau khi uống thuốc này; kiêng chất mặn.
Chữa cảm lạnh hay đau bụng do lạnh: Vỏ bưởi khô đốt để xông vào rốn, sẽ khỏi.
Chữa bụng đầy trướng, khó chịu: Lấy vỏ bưởi cạo bỏ cùi trắng, sao vàng thơm, tán bột uống khỏi ngay.
Nhuận tràng, chống táo, giải nhiệt, chữa háo khát, giải rượu: Dùng tép bưởi tróc trong múi ăn sẽ tác dụng ngay.
Chữa đau dạ dày cơn: Lấy 1 vốc hạt bưởi để cả vỏ cứng bên ngoài, rửa sạch cho vào ca hay cốc, cho nước sôi vào, đậy nắp kín ngâm sau 2-3 giờ thì gạn lấy nước để uống, sẽ đỡ đau ngay, có thể thêm đường cho dễ uống. Cần dùng nhiều ngày.
BS. Hoàng Xuân Đại, Sức Khỏe & Đời Sống
|