Bưởi ở Bến Tre có vài ngàn hécta, với gần chục loại, nhưng phổ biến vẫn là loại ngon, như bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi đường. Cây bưởi có mặt hầu khắp nơi trong tỉnh, thậm chí vùng nước mặn cũng có dăm ba cây mọc trên những vùng đất cao, để “bọn trẻ có mà ăn”. Ai cũng biết bưởi là trái cây ngon, bổ, mát, nhưng khả năng chữa bệnh từ bưởi thì không phải ai cũng biết. Về vấn đề này, không ngờ chị Trí Hằng, chủ sạp bán trái cây tại cổng chào của huyện Chợ Lách đã nói rất lưu loát. Không chỉ có Bến Tre, mà bưởi trồng được trên khắp đất nước Việt Nam, có nhiều giống bưởi và có màu sắc, vị chua ngọt khác nhau. Nổi tiếng nhất là bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh, bưởi Biên Hòa – Đồng Nai, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, bưởi da xanh Bến Tre. Trồng bưởi chủ yếu là lấy quả ăn, lấy hoa ướp thức ăn hoặc chưng cất nước hoa. Vỏ bưởi và hạt bưởi dùng làm thuốc. Có người giỏi lấy vỏ bưởi làm nem chay hay làm chè mà người ta thường gọi là chè bưởi. Bưởi là loại cây ăn trái quen thuộc với con người. Trái bưởi là món ăn tráng miệng giàu vitamin. Hương hoa bưởi thơm thoang thoảng, đậm đà. Bưởi có hương và vị khó quên là vậy. Bưởi không chỉ là loại cây ăn trái bổ, rẻ tiền mà còn nhiều ứng dụng trong y học. Trong lá, hoa, vỏ quả bưởi đều có tinh dầu. Vỏ quả bưởi còn có PECTIN NARINGIN (một loại glucozide) men tiêu hóa, đường RAMOZA vitamin A và C. Theo bác sĩ Phạm Hồng Nga, Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh thì từ thân đến lá, trái đều là thuốc trị bệnh cho người. Dịch ép muối bưởi có 4-10% đường, 9% axit citric, 50% vitamin C và một ít vitamin A và B1, cùng nhiều loại men tiêu hóa như AMYTAZA, PEEROSYDZA. Còn hạt bưởi cũng chứa nhiều dầu béo. Lá bưởi có vị đắng, cay, có mùi thơm, tính ấm. Có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng. Lá bưởi tươi dùng chung với nhiều loại lá thơm khác như xả, tía tô, kinh giới, bạc hà… mỗi thứ một nắm nấu sôi rồi xông hơi từ 5-10 phút trị cảm sốt, cả hai thể phong hàn và phong nhiệt. Lá bưởi già chữa cảm, sốt, ho hắt hơi, kém ăn, sưng đau chân do hàn thấp chướng khí, giảm đau do trúng phong, tê bại, ngày dùng 10-20 gam lá tươi sắc uống. Lá bưởi non nướng chín để nắn, xoa bóp chỗ đau làm cho tan máu ứ, say khớp, sưng, bong gân, gãy xương do chấn thương, sau đó lấy lá nguyên, tươi giã nhuyễn bó vào chỗ tổn thương. Vỏ quả bưởi cũng có vị đắng, cay, mùi thơm nhưng tính bình. Có tác dụng trừ phong, tiêu báng (lách to), tiêu phù thủng, hoạt huyết, giảm đau. Vỏ quả bưởi kết hợp với lá hổ sâm làm ức chế ký sinh trùng sốt rét, hạ sốt, tinh dầu từ vỏ quả và hoa bưởi có thể dùng để kháng khuẩn, giảm độc, kháng trực khuẩn lao, tụ cầu vàng, phế cầu, có khả năng tiêu diệt AMIP. Ngoài ra còn giúp giảm huyết áp, hạ CHOLESTEROL trong máu, lợi tiểu. Vỏ quả bưởi dùng để chữa ho, tiêu đờm tích động ở họng và phế quản, trị đau bụng, ăn uống không tiêu, bỏ lớp vỏ trắng, chỉ lấy phần vỏ ngoài sao sắc uống, ngày dùng từ 4-12 gam. Nước bưởi ép có vị chua ngọt, mùi thơm, tính mát. Kích thích tiêu hóa, bổ khí huyết, xổ giun kim, giảm mỡ, an thai. Nước ép bưởi dùng để chữa đáy tháo, thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế axit acetic thiên nhiên. Hoa bưởi dùng làm nước hoa, kết hợp với quế, hồi… để tạo hương cho thức ăn. Vỏ bưởi đào, vỏ quít, lá dạ cẩm, 3 vị bằng nhau, tán nhỏ. Dùng 10/ngày, mỗi lần uống 05 gam sẽ trị được bệnh dạ dày. Vỏ quả bưởi the 12 gam, đọt lá muồng trâu 20 gam, vỏ cây đại 20 gam, sắc với 02 chén nước còn 01 chén, uống hết 01 lần sẽ là thuốc tẩy giun sán trong ruột. Vỏ bưởi khô, ích mẫu, 02 vị bằng nhau tán nhỏ, uống mỗi lần 08 gam với rượu khi đói, hoặc mỗi vị từ 20-30 gam xắc uống sẽ trị được bệnh phù thủng. Vỏ bưởi đào 600 gam, cỏ roi ngựa 500 gam, bồ hóng bếp 400 gam, bích ngọc đơn 400 gam, ích mẫu 300 gam, hồi hương 200 gam, quế thanh 200 gam, phèn chi 200 gam, phèn chua 200 gam. Tán thành bột làm hoàn, uống mỗi ngày 20 gam sẽ giúp tiêu phù. Vỏ bưởi khô, đốt và hơ vào rốn sẽ chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh. Người suy nhiệt do can quả nhiệt không nên dùng các loại thuốc từ bưởi. Bưởi không chỉ có trong vườn, ngoài chợ, trong nhà mà còn có trong tiệm thuốc đông y, trong bệnh viện, trong quán giải khát. Bưởi không chỉ có ăn tươi mà còn chế biến ra các món ăn như chè bưởi, gỏi bưởi,… Bưởi không chỉ đến với trẻ con, những người sống nơi nông thôn, hẻo lánh mà còn nghiễm nhiên có mặt cả ở những nơi gọi là sang trọng như nhà hàng, khách sạn. Bưởi không chỉ đến với người mạnh mà còn đến cả với người bệnh. Bưởi là bạn của tất cả mọi hạng người. Cho nên, người trồng bưởi không bao giờ nghèo là vậy! Người viết: Xuân Thi
|