Trong vỏ bưởi có chứa nhiều tinh dầu, các vitamin A, vitamine C và một số chất có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn rất tốt.
Theo y học cổ truyền, vỏ bưởi có vị đắng, cay, thơm, tính bình, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng tích, tiêu phù thũng. Người ta thường dùng cùi trắng bên trong của vỏ bưởi để chế biến món ăn như, nấu chè, bóp gỏi, làm nem chay...
Phần vỏ màu xanh bên ngoài do có chứa nhiều tinh dầu nên thường được dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu, phụ nữ bị buồn nôn do ốm nghén. Ngoài ra, vỏ bưởi thường được dùng nấu nước gội đầu cho sản phụ, giúp cho tóc bớt rụng, giúp tóc bóng mượt, mềm và chắc hơn.
Trong dân gian, người ta thường dùng lá bưởi kết hợp với một vài loại lá khác có chứa tinh dầu như lá sả, lá chanh, lá khuynh diệp... để nấu nước xông giải cảm.
Dùng bưởi, hay uống nước ép từ trái bưởi, cũng như uống nước nấu từ vỏ bưởi còn giúp phòng và trị một số bệnh như, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì. Người ta ghi nhận những người thường dùng nước bưởi có cải thiện trong việc ổn định đường huyết và huyết áp. Nước sắc (nấu) từ vỏ bưởi (phần vỏ xanh) có tác dụng cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: đầy hơi, bụng chướng, tuy nhiên đối với những trường hợp béo phì thì thấy nước sắc vỏ bưởi có tác dụng không rõ ràng.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, mặc dù trong múi bưởi có đường nhưng trong đó cũng có thành phần tương tự insulin, có lẽ nhờ đó mà dùng bưởi đã giúp đường huyết được cải thiện là như vậy.
Liều dùng đối với vỏ bưởi xanh phơi khô là khoảng 20-30g mỗi ngày. Vỏ bưởi phần cùi trắng bên trong có thể dùng nhiều hơn. Đối với những người bao tử có vấn đề, bị loét thì không nên dùng nhiều nước ép từ múi bưởi, vì hàm lượng acid trong dịch ép bưởi cao, có thể tổn hại đến bao tử.
Khánh Vy (theo lương y Trần Duy Linh)
|