Đến ấp Thới Định, Thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách hỏi đến ông Thiều Văn Tỷ (hay còn gọi là Hai Tỷ) chắc có lẽ nông dân nào cũng biết đến, bởi ngoài tính cần cù chịu khó, ông còn thành công với mô hình trồng chuyên canh cây bưởi da xanh. Với diện tích 7 ngàn mét vuông cây đang cho trái, mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 12 tấn trái, mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.
Ông Hai Tỷ cho biết, gia đình ông sống bằng nghề nông, hơn 20 năm trước nhà ông có 3 công đất vườn trồng nhãn tiêu quế, nhưng cây nhãn không mang lại hiệu quả kinh tế, nhà khó khăn, ông cũng muốn chuyển đổi trồng cây ăn trái khác chất lượng hơn, nhưng không biết phải trồng cây gì. Cũng may có người em gái đi làm ở Mỹ Thạnh An, thấy nông dân ở đây trồng bưởi bán được giá cao nên mua 2 nhánh mang về cho ông trồng thử.
Buổi đầu do chưa có kinh nghiệm, khi trồng chỉ còn sống được 1 nhánh. Qua chăm sóc nhánh bưởi còn lại phát triển tốt, cây bưởi trưởng thành cho trái ăn khá ngon. Từ đó, ông quyết định chiết nhánh để trồng xen trong vườn nhãn, khi cây bưởi lớn ông đốn bỏ vườn nhãn chỉ trồng chuyên canh cây bưởi da xanh trên diện tích 3 ngàn mét vuông. Vườn bưởi được ông chăm sóc cẩn thận nên cây xanh tốt và có nhiều người đến hỏi mua nhánh về trồng. Vì kinh tế gia đình còn khó khăn, hơn nữa giá nhánh bưởi lúc đó khá cao nên ông Tỷ không nuôi cây cho trái mà chỉ nuôi cây chiết nhánh bán. Mỗi năm, ông chiết khoảng 4 ngàn nhánh, với giá bán 30-40 ngàn đồng/nhánh, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng tiền bán nhánh.
Sau khi chiết nhánh được 4 năm, số tiền thu lại cũng kha khá, ông quyết định mở rộng diện tích, mua thêm 7 công đất vườn trồng chuyên canh cây bưởi. Trong đó, ông dùng 7 công đất trồng bưởi da xanh và 3 công còn lại trồng bưởi 5 roi. Đến nay, bưởi da xanh cây lớn nhất được 20 năm tuổi và số cây hậu bị được trồng xen thay thế cây già cõi cũng khá nhiều.
Ông Tỷ bộc bạch: “Bưởi da xanh vốn là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, qua nhiều năm gắn bó, tôi thấy bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi vươn lên phần lớn là nhờ vào cây bưởi. Vì thế, hơn một năm trước tôi cũng đã phá bỏ vườn bưởi năm roi để trồng tiếp bưởi da xanh”.
Hiện nay, vườn bưởi da xanh của ông Tỷ đang cho trái ổn định, tuy cây có nhiều tuổi nhưng năng suất vẫn còn cao, mỗi tháng vườn bưởi thu hoạch 1 lần, một năm hơn 12 tấn trái, với giá bán ổn định từ 20-30 ngàn đồng/kg bưởi loại I, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Khi được hỏi về kinh nghiệm để có vườn bưởi da xanh cho năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Tỷ nói: “Theo tôi, cây bưởi da xanh muốn phát triển tốt đều quan trọng, khi trồng bưởi đất phải cao ráo, không bị đọng nước vào mùa mưa, mùa nắng phải tưới đủ nước. Đối với phân bón, tôi thường dùng là phân hữu cơ sinh học Viễn Khang kết hợp với NPK 30-30-0, mỗi tháng bón 1 lần, bón lúc cách 1 ngày sau khi thu hoạch trái. Trọng lượng 500 kg hữu cơ + 50 kg NPK 30-30-0, có thể kết hợp thêm thuốc Basudin-10 để ngừa bệnh rệp sáp”.
Có được kinh nghiệm này, theo ông Tỷ phần lớn là sự cần cù chịu khó học hỏi của bản thân. Ông tích cực tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn và tham quan các mô hình, để áp dụng trực tiếp vào vườn bưởi. Hiện tại, ông Tỷ đã tham gia vào mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa, đang chờ thẩm định trao giấy chứng nhận.
Chuyển đổi cây trồng từ cây có hiệu quả kinh tế kém sang cây chất lượng cho năng suất cao là lựa chọn hợp lý của nhiều nông dân ở huyện Chợ Lách. Chính mô hình này đã giúp cho nông dân vươn lên làm giàu, trong đó có gia đình ông Thiều Văn Tỷ. Hiện tại, gia đình ông có cuộc sống ổn định, xây nhà khang, phần lớn từ cây bưởi da xanh.
Trúc Ly
|