Vừa qua, tại hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi năm 2011 của xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, anh Bùi Văn Chiến ở ấp Trung Hiệp là một trong những nông dân được tuyên dương thành tích làm kinh tế giỏi, với mô hình trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao, mô hình này được chọn làm điểm để bà con nông dân địa phương tham quan, học tập.
Trên diện tích 5.000m2 đất vườn, anh có 200 gốc bưởi da xanh đang cho trái. Đến thời điểm này, cây đã cho trái được 3 năm, năng suất tăng dần qua từng năm. Mỗi tháng vườn bưởi cho thu hoạch khoảng 500kg, trong đó bưởi loại 1 chiếm đa số, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 20.000-25.000đồng/kg, tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Chiến có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Trong khi hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh ngày càng cao, thì cây nhãn tiêu quế tỏ ra kém hiệu quả và mất dần chỗ đứng, từng là cây trồng chủ lực trong vườn trước đây, nay đã bị thay thế dần bởi cây bưởi. Đốn bỏ cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp để trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, đó là quyết định thích hợp của anh Chiến trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang được khuyến khích như hiện nay. Nói về hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh, anh Bùi Văn Chiến chia sẻ: “Cũng nhờ cây bưởi da xanh mà cuộc sống gia đình tôi đã đổi khác, có điều kiện xây dựng nhà khang trang, lo cho ba đứa con học đại học”.
Tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi các mô hình sản xuất bưởi da xanh, cộng với sự tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình canh tác, đã giúp anh có được một vốn kiến thức cần thiết để đi đến thành công.
Anh nhận thấy, muốn trồng bưởi đạt hiệu quả cao, ngoài khâu chọn giống tốt và có thổ nhưỡng phù hợp, thì yếu tố “kỹ thuật chăm sóc” có vai trò chính yếu. Anh thường sử dụng phân Lio Thái, liều lượng bón tùy vào thời điểm sinh trưởng của cây. Phân Lio Thái cung cấp thành phần hữu cơ, NPK và trung vi lượng, giúp cây tăng trưởng nhanh, tăng năng suất và phẩm chất, đồng thời góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất. Đặc biệt, giúp cây trồng chống chịu một số sâu bệnh phổ biến, làm tăng chất lượng thương phẩm của cây trồng, giúp trái bưởi da xanh có màu sắc tươi đẹp và bảo quản được lâu hơn. Để phòng trừ sâu bệnh, anh chọn thuốc trừ sâu sinh học vì có ưu điểm ít gây ảnh hưởng đến môi trường, không gây hại thiên địch, thời gian cách ly ngắn, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, anh còn nuôi kiến vàng để diệt trừ sâu bọ-một giải pháp IPM đang được khuyến cáo sử dụng trên vườn cây ăn trái.
Trái bưởi da xanh có cơm ráo, vị ngọt thanh, màu sắc đẹp. Với những ưu điểm đó khiến nhiều người ưa chuộng, từ đó làm cho giá trị thương phẩm của trái bưởi da xanh trên thị trường luôn có giá cao và ổn định. Chính vì vậy, diện tích bưởi tích da xanh ở ấp Trung Hiệp không ngừng được mở rộng, hiện nay chiếm khoảng 4ha, chỉ đứng sau cây sầu riêng và chôm chôm. Ông Nguyễn Văn Bé, Chi hội trưởng Nông dân ấp Trung Hiệp cho biết: “Chi hội Nông dân của ấp phối hợp với Hội Nông dân xã đang xúc tiến việc thành lập tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh nhằm tập hợp nông dân trồng bưởi trên địa bàn để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân trồng bưởi da xanh”.
Thời gian qua, cây bưởi da xanh đã khẳng định được vị thế cao trên thị trường hàng nông sản và đã trở thành cây làm giàu của nông dân. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những nhà vườn trồng bưởi da xanh trở nên khấm khá từ loại cây ăn trái đặc sản Bến Tre này.
Việt Cường
|