Hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bên cạnh phát triển vùng trồng rau màu chuyên canh, bà con xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc đang tăng dần diện tích trồng các loại cây ăn trái có năng suất, chất lượng cao. Trong đó có mô hình bưởi da xanh của ông Lê Văn Thổ-sinh năm 1964, ấp Trung Xuân.
Năm 2006, ông Thổ nhận 120 gốc bưởi từ Chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đến năm 2010 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Sau 2 năm trồng thấy bưởi phát triển tốt, ông tiếp tục nhận từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh 180 gốc bưởi. Hiện nay, ông có 4 công đất trồng bưởi da xanh xen vườn dừa và măng cụt, trong đó có 2 công đang cho trái. Vùng đất nhà ông Thổ gần sông, tương đối thấp, nên ngoài việc bơm cát, đắp đê ngăn nước, ông còn tiến hành xẻ liếp, tạo rãnh cho nước thoát nhanh ra ngoài, không để ngập úng gây vàng lá, thúi rễ và chết cây. Đồng thời còn tận dụng được nguồn phù sa từ dòng chảy để bồi đắp, giúp cây phát triển tốt. Cũng như những nhà vườn khác, mỗi năm ông Thổ bón phân cho cây khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 3-4 tháng, với hỗn hợp phân lân, kali và urê. Theo kinh nghiệm trồng, khi cây chưa cho trái thì ông bón nhiều phân lân và urê, bón ít kali. Đến khi cây có trái thì tăng lượng phân kali không chỉ giúp bưởi căng tròn, bóng, đẹp, quả ngọt, ít hạt mà còn làm cứng cuốn trái, cây ít bị gãy nhánh.
Ông Thổ cho biết, muốn bưởi phát triển xanh tốt, ngoài việc dùng phân hóa học, còn tăng cường bón phân chuồng để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy vào giữa và cuối mùa mưa, ông tiến hành xới đất rồi rãi phân chuồng chung quanh gốc giúp cây nhanh hấp thu chất dinh dưỡng.
Do bưởi dễ trồng, ít bị sâu bệnh hại, nên ông hạn chế phun thuốc mà tận dụng phương pháp nuôi kiến vàng để phòng trừ các loại sâu rầy hại lá đồng thời giúp cho trái nhiều nước, vỏ bóng đẹp mà không cần dùng tới thuốc trừ sâu. Để tận dụng diện tích và tăng hiệu quả canh tác, ông kết hợp trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi bò. Trung bình, mỗi tháng ông cắt trái bán một lần, từ 300-400 kg, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 20 triệu đồng/2 công bưởi. Sau thu hoạch, ông tiến hành loại bỏ những cành đã mang trái, cành bị hư, sâu bệnh, cành ốm yếu không có khả năng nuôi trái nhằm hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh cho cây.
Khác với vườn bưởi của ông Thổ, 80 gốc bưởi da xanh của anh Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1972, ấp Giồng Trôm, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc), được trồng trên đất cát pha, nên vào mùa khô anh phải thường xuyên tưới nước cho cây, cỏ trong vườn được tận dụng cho bò ăn, chỉ để lại phần gốc để che mát cho gốc bưởi. Mỗi năm, anh bón phân 4 lần sau mỗi lần thu hoạch, chủ yếu là phân lân, urê, 20-15. Khi cây có trái thì tăng lượng phân kali.
Qua 3 năm trồng, vườn bưởi bắt đầu cho trái, đem lại nguồn thu trên 15 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hơn 1 năm trước đây, vườn bưởi của anh Phong bị thúi rễ, cây vàng lá hàng loạt, anh đã mua nhiều loại thuốc để điều trị nhưng vẫn không hết. Thông qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, anh được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng bưởi, đặc biệt là được hướng dẫn dùng nấm Tricoderma trộn với phân chuồng và mụn dừa, rơm, trong thời gian 1 tháng, sau đó đem rải đều trên mặt gốc cây. Sau 2 lần rải, vườn bưởi của anh Phong dần hồi phục và phát triển xanh tốt trở lại.
Bưởi da xanh được xem là cây trồng chủ lực của xã Nhuận Phú Tân, được trồng chuyên canh theo từng vùng và xen canh trong vườn dừa. Hiện, toàn xã có trên 150 ha bưởi da xanh, chiếm gần 20% đất sản xuất. Trung bình người dân thu hoạch khoảng 10 tấn trái/ha/năm, góp phần mang lại thu nhập khá cao cho người trồng bưởi. Vì vậy, để góp phần tăng hiệu quả và nhân rộng diện tích cây trồng, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành có liên quan thường xuyên mở các lớp tập huấn và sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân. Qua đó có thể giúp người dân nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng bưởi da xanh, đồng thời tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và thông tin thị trường để có hướng đầu tư cho phù hợp.
Ngọc Tuyền
|