Trong khi nhiều loại cây ăn trái khác có giá bấp bênh thì bưởi da xanh luôn được xem là ổn định, giá không dao động nhiều. Đây là ưu thế giúp cho nông dân ở huyện Chợ Lách lựa chọn gắn bó với loại cây ăn trái này. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tài, ấp Bình An, xã Hòa Nghĩa cũng không ngoại lệ.
Trước khi đến với mô hình chuyên canh cây bưởi da xanh, ông Tài có nhiều năm gắn bó với cây nhãn xuồng cơm vàng, do vườn nhãn có nhiều năm tuổi, năng suất không cao như trước và trái bị rụng…. qua nghiên cứu thị trường trái bưởi da xanh có giá trị, nên mua nhánh về trồng xen trong vườn nhãn và 4 năm sau đã quyết định phá bỏ vườn nhãn chỉ chuyên canh cây bưởi và gắn bó với loại cây ăn trái này cho đến hôm nay.
Trên diện tích 5 ngàn mét vuông, ông Tài đã trồng chuyên canh 100 gốc bưởi, đến nay cây được 10 năm tuổi. Ông cho biết: “Với diện tích và số lượng gốc bưởi được trồng thế này so ra mật độ còn khá thưa, nhưng theo tôi trồng thưa sẽ dễ chăm sóc giúp cây bưởi phát triển tốt hơn, cây có nhiều tàn. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các cây bưởi trong vườn cần có những cây to che mát, mục đích không để nắng chiếu trực tiếp vào trái bưởi dễ bị nám trái…”.
Ngoài việc che mát cho cây, ông Tài còn để cỏ trong vườn nhằm giữ độ ẩm trong đất, nhưng khi đến đợt rải phân thì cỏ mọc xung quanh gốc bưởi được làm sạch, như thế sẽ giúp cây hấp thu chất dinh dưỡng trong phân tốt hơn.
Riêng về cách sử dụng phân bón, sau mỗi lần thu hoạch trái xong ông Tài dùng phân NPK loại 20-20-15 hoặc 30-20-5 để bón cho cây, trọng lượng từ 0,5-1 kg/cây. Khoảng 3-7 ngày sau tiếp tục dùng phân trùn quế để bón, trọng lượng khoảng 1 kg/cây. Mỗi năm, ông sử dụng khoảng 300 kg phân trùn quế, chia thành 3 đợt để bón, khoảng 100 kg/1 đợt.
Với cây bưởi da xanh nếu chăm sóc không tốt cây thường bị sâu bệnh tấn công, làm cho trái không đẹp bán giá thấp. Theo kinh nghiệm, khi trái bưởi to bằng cái chén, ông dùng HTD-02 Super để phun cho cây, mỗi tháng một lần, giúp xua đuổi côn trùng, bọ trĩ, nhện đỏ, sâu đục thân….
Với ninh nghiệm này đã giúp cho vườn bưởi của ông Tài trở nên xanh tốt và cho trái đạt chất lượng khá cao, bình quân mỗi tháng vườn bưởi thu hoạch một lần, năng suất từ 300-500 kg, cao điểm vào tháng Tết vườn bưởi cho năng suất 1 tấn trái, trong đó tỷ lệ bưởi loại I chiếm khoảng 80%, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Tài có thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Hiệu quả vườn bưởi da xanh mang lại cho gia đình ông Tài như hôm nay, một phần cũng nhờ vào tính cần cù ham học hỏi và tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do địa phương tổ chức. Hiện tại, ông cùng với 5 nông dân ở ấp thành lập tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh, mục đích nhằm trao đổi kinh nghiệm trong vấn đề chăm sóc bưởi da xanh giữa các thành viên trong tổ. Ông Tài có hướng sản xuất BDX theo quy trình VietGAP để giá bán ổn định hơn.
Nguyên Thảo
|