Chúng tôi tìm đến nhà trưởng ấp Phú Mỹ, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại-Phan Văn Mảnh mới biết chỉ vỏn vẹn khoảng 2 công đất trồng bưởi da xanh xen nhãn, nhưng nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng nên lợi nhuận mang lại đạt trên 6 triệu đồng/1công.
Trước năm 2000, vùng đất này ông Mảnh chỉ trồng độc canh cây nhãn, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào các lớp tập huấn, hội thảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, năm 2007, ông Mảnh mua 100 gốc bưởi da xanh đem về trồng xen trong vườn nhãn gia đình nhằm tăng thêm thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Sau 4 năm áp dụng mô hình trồng xen, thu nhập gia đình ông đã tăng gấp 2 lần so với trước đây, chỉ trồng độc canh cây nhãn. Vườn bưởi của ông năm nào cũng phát triển tốt và cho trái sai. Mỗi năm thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt từ 100kg-200kg, với giá trung bình 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trên 12 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, ông đã thu hoạch được 2 đợt, sản lượng trên 300kg. Hiện, vườn bưởi của ông đang cho trái và chuẩn bị thu hoạch đợt tiếp theo.
Ông Mảnh cho biết: “Qua nghiên cứu kỹ thuật từ sách, báo cộng với kinh nghiệm truyền thống của bản thân từ việc trồng và chăm sóc cây nhãn, ông nhận thấy ưu điểm ở bưởi là một loại cây rất ưa chuộng và thích hợp với phân hữu cơ, mụn dừa, vì vậy trước khi đặt cây giống xuống ông đã tận dụng phân heo, gà, vịt và mụn dừa sẵn có, bón lót ở lớp dưới giúp cải tạo đất, theo ông Mảnh đặc điểm này ngoài giúp cây bưởi dù đã trồng lâu năm vẫn xanh tốt không bị còi cọc, mà còn giúp cây cho nhiều trái, đều,… khi bưởi bắt đầu ra hoa, cho trái chiến, ông cắt những cành, lá không cần thiết và tỉa bớt những trái non xấu, chỉ để lại 1 cây khoảng 30 trái ngon (nếu cây cho trái nhiều). Đó là bí quyết giúp cây bưởi không bị mất sức để hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái”.
Ngoài ra, ông Mảnh còn cho biết thêm: “Để cây bưởi ra trái đều, hàng tháng ông chịu khó vun, xới gốc, bón phân hữu cơ thường xuyên”. Đặc biệt, ông Mảnh còn có bí quyết để trái bưởi chín múi không bị khô và sượng là áp dụng phương pháp trồng kỹ thuật hàng, cách đều mỗi hàng đào 1 mương nước ở giữa để rễ cây bưởi hút nước nuôi trái.
Với kỹ thuật trồng bưởi thông dụng đó, trong 4 năm qua, cây bưởi không những giúp gia đình ông Mảnh có thêm nguồn thu nhập đáng kể, mà còn giúp cho vùng đất phù sa Phú Thuận ngày càng màu mỡ, đa dạng hơn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Thanh Hương
|