Không qua một lớp đại học hay khóa đào tạo chuyên về trồng trọt, nhưng khi nói về những kỹ thuật, kinh nghiệm trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa thì ông Nguyễn Quang Vũ-ấp Tích Phúc, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc hiểu biết không kém gì so với những kỹ sư chuyên nghiệp.
Năm 2006, được nhận 200 gốc bưởi từ Chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh, ông Vũ bắt đầu cải tạo, lên liếp 8 công đất vườn trồng 160 gốc dừa xen bưởi da xanh. Để tích lũy kinh nghiệm và kỹ thuật trồng xen, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về trồng cây có múi do Hội Nông dân xã Khánh Thạnh Tân tổ chức. Để cây nhanh bén rễ và không bị hao hụt, ông tiến hành đắp mô, giữa mỗi mô đào một lỗ nhỏ tráng một lớp bùn non bên dưới, trộn hỗn hợp phân lân, komix, đất, mụn dừa để ủ gốc, giúp giữ ẩm đồng thời kích thích bộ rễ nhanh phát triển.
Khi cây phát triển ổn định thì cách hai tháng bón phân một lần, chủ yếu là phân lân và u-rê để làm đất tơi xốp và xanh lá. Đến lúc cây cho trái bắt đầu tăng lượng phân ka-li giúp trái bưởi căng tròn, vỏ mỏng, da bóng, đẹp, ngọt. Ngoài ra, ông còn kết hợp bón phân chuồng, mỗi năm bón 2 lần vào đầu mùa mưa và tháng 7 âm lịch. Khi cây còn nhỏ thì bón khoảng 10 kg phân chuồng, đến khi cây lớn, tăng lượng phân bón lên 20 kg, giúp tơi đất và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ông Vũ cho biết, bưởi da xanh thường hay bị các bệnh về lá và sâu đục trái, cách tốt nhất để hạn chế bệnh là phòng bệnh ngay từ đầu. Vào đầu mùa mưa, rải thuốc trừ sâu hột mè để sát trùng đất. Khi cây ra đọt non thì tiến hành phun thuốc để chống sâu vẽ bùa, dòi đục trên chòi non. Do có điều kiện đất đai thuận lợi, thiên nhiên sẵn có, nằm trên vùng đất sét sạn ống nên ông Vũ không cần phải xử lý mà mỗi tháng cây đều ra đọt non và ra hoa. Để nâng cao chất lượng quả bưởi, khi trái nhỏ bằng ngón tay cái, ông loại bỏ bớt trái non, mỗi chùm chỉ để lại hai trái, đến khi trái lớn thêm chút nữa, ông tiếp tục loại bỏ trái, mỗi chùm chỉ để lại một trái đẹp nhất.
Bưởi là cây ưa mát, nên cỏ trong vườn ông Vũ tiến hành cắt bỏ phần ngọn chừa lại phần gốc để mát gốc cây. Vào tháng nắng, cứ 2-3 ngày tiến hành tưới nước 1 lần. Do nằm trên vùng đất trũng, thấp, hàng năm bị nước mặn xâm nhập, nên khi thấy nước bắt đầu lợ, ông tiến hành tưới nước qua một lần rồi đậy gốc lại để giữ ẩm cho cây qua mùa nước mặn (ngừng tưới đến khi có nước ngọt trở lại).
Ông Vũ cho biết, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh của những người đi trước, ông còn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật của các cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện, nên vườn bưởi xen dừa của ông ngày càng phát triển tốt, cho trái nhiều, quanh năm. Để cây có đầy đủ chất dinh dưỡng, cho năng suất cao, ông không tiến hành xử lý cho ra nghịch vụ mà để cây cho trái tự nhiên. Trung bình mỗi cây có từ 15-20 trái, mỗi trái nặng trên 1,3 kg. Với 200 gốc bưởi da xanh, hàng năm gia đình ông thu hoạch khoảng 2 tấn trái, trừ đi chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng.
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Khánh Thạnh Tân luôn quan tâm, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các mô hình kinh tế trồng xen, nuôi xen, kết hợp áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện, toàn xã có gần 14 ha diện tích trồng bưởi da xanh. Trong đó có 39 hộ tham gia vào Chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đến năm 2010 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức vào năm 2006, diện tích khoảng 12,3 ha. Đến nay, hầu hết các vườn bưởi đều cho thu hoạch, với chất lượng và năng suất cao góp phần tạo ra mô hình kinh tế hiệu quả và an toàn cho người dân.
Nhờ biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã giúp mô hình trồng bưởi da xanh xen vườn dừa của ông Nguyễn Quang Vũ ngày càng đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho gia đình và xã Khánh Thạnh Tân.
Trà My
|