Trồng bưởi da xanh bằng giống chiết cành đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều nông dân, bởi theo cách trồng này, bưởi nhanh phát triển, cây khỏe mạnh, mau cho trái tiết kiệm được thời gian và chi phí đầu tư.
Nông dân áp dụng thành công mô hình bưởi da xanh bằng giống chiết cành là ông Nguyễn Văn Đua ở ấp Bình Thới, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.
Ông Đua cho biết: “Năm 2007, khi Chương trình Phát triển 4.000 ha bưởi da xanh được phổ biến mạnh mẽ trong nông dân, tôi chủ động tham gia vào lớp tập huấn giới thiệu về mô hình trồng bưởi da xanh do Hội Nông dân xã phát động. Trong khi nhiều bà con nông dân ở huyện Mỏ Cày Nam chọn giống bưởi ghép cây con, thì tôi lại chuẩn bị cho mình 80 nhánh bưởi chiết cành để bước vào vụ trồng mới. Theo ông Đua bưởi nhánh thích nghi với vùng đất thấp hơn nên đã chọn mua nhánh chiết về trồng trên 2 công đất vườn nhà mình”.
Hiệu quả bước đầu mang lại sau gần 3 năm từ mô hình trồng bưởi chiết cành của ông Đua đã mang về nguồn lợi khá lớn cho gia đình, giá bưởi hiện tại dao động từ 22-28 ngàn đồng/kg. Với 2 công bưởi da xanh, năm nay ông Đua thu hoạch gần 1 tấn trái, lãi mỗi năm trên 50 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí.
Phấn khởi trước vụ mùa thu hoạch bưởi da xanh năm nay, ông Đua cho biết thêm kinh nghiệm về thâm canh giống bưởi chiết cành: Thông thường, loài bưởi nhánh thích nghi với vùng đất thấp, tầng canh tác mỏng nên bộ rễ của loài bưởi này phát triển không ăn sâu mà lan rộng. Vì thế, để cung cấp dinh dưỡng cho cây, hàng năm, ông Đua bón phân bằng cách đào hộc xung quanh gốc hình tròn đường kính khoảng 1m phủ ở mỗi gốc từ 30-40kg phân chuồng kết hợp với một lượng ít phân lân bón đầy hộc sau đó phủ bằng lớp cỏ khô hoặc một lớp bùn non mỏng lấp đất lại để tạo độ tơi xốp giúp cho bộ rễ dễ hấp thụ phân lâu dài. Đây là cách làm đơn giản giúp cây phát triển nhanh, tán lá xanh rộng. Việc làm này được ông Đua tiến hành mỗi năm một lần.
Trồng bưởi chiết cành không khó, để cây bưởi nhánh mau phát triển, theo cách làm của ông Đua, sau khi vun mô chuẩn bị trồng ông đào hố nhỏ trước khi đặt cây bưởi xuống lòng đất. Trước đó, ông bón lót một lượng phân hữu cơ chủ yếu là phân chuồng trộn lẫn phân lân rồi đặt nhánh phủ lớp đất lên bề mặt vì thế ngay từ đầu rễ có thể hấp thụ dinh dưỡng nhanh.
Khoảng 2 tháng sau, cây bắt đầu châm rễ bắt đất, ông Đua còn cung cấp một lượng dinh dưỡng bằng phân vi sinh. Mục đích của việc làm này để những vi sinh sẽ phân hủy những sinh vật gây hại và côn trùng tiềm ẩn hại rễ có trong đất. Để có được vườn bưởi phát triển tốt lá xanh, trái to, tròn, bóng vỏ như hôm nay ông Đua thường xuyên chăm bón, tưới nước. Vào mùa hạn, mặn, ông Đua duy trì ẩm độ bằng cách phủ lớp cỏ khô để cây có sức chống chịu qua mùa này nên hạn chế tưới nước sẽ ảnh hưởng không tốt đến bộ rễ của cây. Qua tham quan học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ nông dân khác, ông Đua còn nuôi kiến vàng trên vườn bưởi để tiêu diệt rầy và rệp sáp bám trên cây và trái.
Với nhiều cách sáng tạo trong việc chọn giống cây trồng phát triển kinh tế, hiệu quả từ vườn bưởi da xanh của ông Đua năm nào cũng đem về nguồn thu lớn cho gia đình.
Thu Phương
|