Mấy năm gần đây giá bưởi da xanh ổn định, mang lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn, trong đó có ông Mai Văn Rẩy ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam. Yếu tố sản xuất thành công bưởi da xanh của ông là nhờ áp dụng phương thức sản xuất theo hướng IPM. Với phương pháp này, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí đầu tư mà đảm bảo sản phẩm trái an toàn, chất lượng.
So với trước đây, ông Rẩy trồng mía phải tốn nhiều công sức nhưng nguồn thu về cho gia đình không khá. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, ông Rẩy đã tham gia vào dự án bưởi da xanh của huyện, được Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống. Từ đó, ông Rẩy bắt tay vào cải tạo lại vườn và chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ban đầu ông chỉ trồng thử nghiệm 80 gốc bưởi da xanh trên diện tích 2.000m2. Sau 2 năm, cây phát triển xanh tốt, thấy có triển vọng với mô hình này ông tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng bưởi da xanh đến nay là 0,5ha.
Theo ông Rẩy, bưởi da xanh trồng 3 năm bắt đầu cho trái, nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng nên ông áp dụng vào thực tế vườn bưởi da xanh nhà mình đạt được hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 2 công bưởi da xanh, hàng năm ông Rẩy thu hoạch trên 4 tấn trái, giá ổn định ở mức 25.000 đồng/kg, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Nói về kỹ thuật trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao ông Rẩy cho biết: “Trước đây, tôi không sử dụng phân hữu cơ, chỉ toàn dùng phân hóa học nhưng từ khi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh, tôi phát hiện được phân hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây rất lớn. Biết được lợi ích của phân hữu cơ là làm tơi xốp đất, rễ dễ phát triển nên đã kết hợp hai loại phân hữu cơ và vô cơ để bón cho cây, vì vậy mà vườn bưởi nhà tôi trở nên xanh tốt”.
Trung bình hàng năm, mỗi cây bưởi da xanh ông Rẩy bón khoảng 30-40kg phân hữu cơ, chủ yếu là phân chuồng kết hợp với khoảng 1,2kg phân (20-20-15) nhằm cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Để đạt được kết quả trên, ngoài việc chọn giống, đắp mô, bón phân cho cây ông Rẩy còn thường xuyên tỉa cành, tạo tán chính vì vậy vườn bưởi da xanh phát triển nhiều cành, cho nhiều trái.
Nhằm cung cấp cho cây đầy đủ chất dinh dưỡng bộ rễ phát triển nhanh, cây khỏe mạnh ông Rẩy cho biết, trước khi trồng phải vun mô cao khoảng 2 tấc và thường xuyên bồi bùn ở gốc bưởi hàng năm. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng cần đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, hạn chế hạn mặn tấn công làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sức chống chịu của cây bằng cách ủ ẩm gốc với các loại cỏ khô để giữ ẩm. Ngoài ra, ông Rẩy còn thường xuyên thăm vườn để phát hiện các loài thiên địch gây hại trên bưởi sớm có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Ông Rẩy nói về kinh nghiệm của mình: “Cách ba tháng bưởi sẽ cho ra đọt non một lần, ở giai đoạn này bệnh thường gặp ở bưởi da xanh là bệnh quắn đọt và sâu vẽ bùa trên lá non. Khi cây mắc phải bệnh này làm lá không xanh tốt, cây còi cọc, chậm phát triển. Chủ động phòng bệnh này là khi cây bắt đầu ra đọt tiến hành xịt dầu khoáng, chất dầu có tác dụng bảo vệ lá non chống sâu rầy tấn công làm đọt ra không bị quắn, lá ra xanh mướt. Khi cây bắt đầu ra bông đậu trái nên lãi bỏ bớt trái ở những cành sai, thông thường một chùm nên để từ 1 đến 2 trái”.
Việc sản xuất sản phẩm bưởi da xanh theo hướng IPM theo cách làm của ông Rẩy hiện nay thực sự thu hút nhiều nông dân. Bởi, hiệu quả kinh tế từ mô hình trên rất cao, sản phẩm sản xuất ra vừa giảm được chi phí, vừa đảm bảo tính an toàn cho người tiêu dùng. Không riêng gì ông Rẩy, nhiều hộ nông dân trồng bưởi da xanh ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội cũng áp dụng kỹ thuật này trên vườn bưởi da xanh và đã mang lại hiệu quả trong vài năm gần đây.
Ngoài việc chịu khó chăm sóc vườn bưởi nhà mình, ông Rẩy còn tham quan nhiều mô hình trồng bưởi da xanh hiệu quả của các hộ nông dân khác để cùng trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, từ đó áp dụng thành công trên vườn bưởi nhà mình.
Thu Phương
|