Bưởi da xanh là loại trái cây được thị trường ưa chuộng vì chất lượng ngon, có thể tồn trữ lâu, vận chuyển dễ dàng và có giá trị kinh tế. Vì thế, diện tích trồng bưởi da xanh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, sâu bệnh trên bưởi da xanh cũng đáng được quan tâm, hiện nay có loại rầy bướm phát triển và gây hại trên bưởi khá phổ biến, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bưởi nhất là giai đoạn ra hoa, đậu trái.
Rầy bướm thuộc Bộ Homoptera, họ rầy bướm (Flatidae). Đây là nhóm rầy thân có hình dạng rất giống ngài hoặc bướm. Trưởng thành rầy bướm có màu xanh lá cây nhạt hoặc màu trắng (con màu trắng thường có kích thước lớn hơn màu xanh), chiều dài thân khoảng 10mm, lúc đậu có hình “bánh lái ghe” hay dạng cánh bườm, ở giữa cánh trước có một chấm đỏ rất nhỏ (nếu là loại màu xanh thì có chấm màu vàng). Mặc dù rầy bướm là một dạng rầy nhưng hình dạng con trưởng thành rất giống bướm nên gọi là rầy bướm. Lúc không bay, hai cánh xếp đứng dạng mái nhà. Mãnh lưng ngực ở giữa phát triển. Ấu trùng màu trắng, có đuôi dài, khi bị đụng vào, đuôi chúng dựng lên và xòe ra giống như đuôi gà lôi. Cả thành trùng và ấu trùng thường có những cú nhảy với khoảng cách ngắn, thành trùng bay rất yếu và chậm, khoảng cách bay gần. Khi đậu, chúng thường sắp thành hàng trên các cành non để chích hút.
Rầy bướm đẻ trứng thành từng ổ có màu trắng đến màu kem, các trứng dính liền nhau có cấu trúc sắp xếp hơi đứng nghiêng từ ngoài tiến vào trung tâm của ổ trứng. Mỗi ổ trứng có khoảng 50 trứng. Ấu trùng trãi qua 4 tuổi rồi đến thành trùng, vòng đời từ 1-2 tháng, mỗi năm có từ 3-6 thế hệ.
Cả thành trùng và ấu trùng rầy bướm đều tấn công trên cây, thân, cành, lá làm suy yếu, lá bị vàng dễ rụng, ra bông ít, tỷ lệ đậu trái thấp. Nếu tấn công giai đoạn trái sẽ làm trái nhỏ, giảm năng suất và phẩm chất trái. Ngoài ra, rầy tiết mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển đen trên lá và cành non. Rầy bướm tấn công mạnh trong mùa nắng. Nếu vườn trồng dày, rầy bướm phát triển mạnh.
Biện pháp phòng trừ:
- Sau thu hoạch nên tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng, dọn dẹp những cây hoang dại trong vườn.
- Nuôi kiến vàng trong vườn bưởi là biện pháp phòng trừ sinh học hiệu quả cao.
- Vườn bưởi không nên trồng quá dày.
- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm khi mật độ thấp, ở giai đoạn ấu trùng thì việc phòng trừ đạt hiệu quả cao. Sử dụng thuốc hóa học như: dầu khoáng SK 99, Mapy 48EC, Supracide 40EC, Trebon 10EC, ...
Đây là loài côn trùng rất mau kháng thuốc nên sử dụng thuốc luân phiên để hạn chế sự kháng thuốc của rầy.
Chú ý: khi phun trên bưởi giai đoạn trái cần đảm bảo thời gian cách ly.
Thanh Nguyệt
|