Hiện nay, có một số vườn bưởi da xanh sau khi thu hoạch vài vụ thì có triệu chứng vàng lá, cây còi cọc, ít ra đọt non, trái nhỏ, cây bị suy thậm chí một số cây chết, nhất là trong mùa khô hạn, triệu chứng này thể hiện rất rõ.
Để khắc phục hiện tượng này, trước hết nhà vườn cần tìm hiểu nguyên nhân tác động làm cây bị suy, từ đó mới có biện pháp xử lý thích hợp.
Các yếu tố tác động làm suy kiệt cây bưởi
- Để trái quá nhiều: Do giá bưởi da xanh cao nên nhà vườn có khuynh hướng để trái trên cây quá nhiều. Cây bưởi mang nhiều trái dễ gây hiện tượng khô cành, làm cây suy yếu, ảnh hưởng đến khả năng cho trái năm sau và có thể làm chết cây.
- Để trái quá sớm: Những cây bưởi mới trồng khoảng 2-3 năm bắt đầu cho trái chiến. Tuy nhiên, nếu để trái giai đoạn này rất dễ làm giảm tuổi thọ của cây.
- Quản lý nước: Bưởi là cây chịu úng rất kém nhưng cũng không chịu hạn được lâu. Trong mùa mưa, ở những vườn bưởi không thoát nước tốt làm cây thường bị úng hoặc không cung cấp đủ nước trong mùa khô hạn. Ngoài ra, trong mùa mưa nếu không xới cũng làm đất bị nén chặt, rễ thiếu oxy dẫn đến thối rễ.
- Thiếu dinh dưỡng: Không cung cấp đủ dưỡng chất cho cây bưởi, nhất là sau một vụ sai trái, cây thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Hơn nữa, đất trồng qua nhiều năm không được cung cấp phân hữu cơ, dẫn đến hiện tượng đất thiếu một số nguyên tố vi lượng mà nếu không bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến năng suất giảm rõ rệt.
- Bệnh vàng lá thối rễ: Cũng là nguyên nhân làm lá bị vàng. Vàng lá có thể xảy ra trên một vài nhánh hay toàn cây. Khi quan sát bộ rễ bị hư thối, đặc biệt là rễ non bị thối và tuột khỏi vỏ, rễ mất khả năng hấp thu dinh dưỡng và nước để nuôi cây. Khi nấm bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh vài tháng, do đó ở các vườn, bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng. Ngoài ra, tuyến trùng cũng là tác nhân quan trọng làm hư bộ rễ góp phần làm cây bưởi bị suy kiệt. Trong trường hợp này, cho dù bón thật nhiều phân, cây cũng không hấp thu được.
Biện pháp khắc phục:
- Trường hợp cây bị suy kiệt nặng, lá rụng nhiều thì biện pháp cấp thời là phải cắt bỏ ngay bông, trái, sau đó tưới nước đầy đủ để giúp cây hồi phục lại. Xới cho đất được thông thoáng. Có thể bón phân có công thức đạm và lân cao để giúp cây ra đọt mới và rễ mới phục hồi khả năng sinh trưởng. Khi cây có được đọt non nên phun phân bón lá giúp cho đọt phát triển tốt. Chú ý, phòng ngừa sâu bệnh tấn công đọt non như bệnh loét, sâu vẽ bùa,…
- Về lâu dài, cần chú ý tưới đủ nước cho cây trong giai đoạn mang trái, nhất là trong mùa khô hạn nặng. Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60-80 cm từ mặt liếp trong suốt năm.
- Bón nhiều phân hữu cơ hàng năm sau khi thu hoạch để làm cho đất tơi xốp, kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật trong đất. Nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây khoảng trên 50 cm vào cuối mùa nắng.
- Nên để trái với số lượng vừa phải tùy theo kích thước tán cây và tình trạng sinh trưởng của cây. Không nên bắt cây mang trái quá sớm khi tuổi cây còn nhỏ.
- Trong vườn, nên trồng các loại cỏ thân thấp, ít cạnh tranh dinh dưỡng, để giúp đất thông thoáng (để cỏ cách gốc 50 cm).
- Nếu xác định bệnh vàng lá, thối rễ thì phải sử dụng thuốc hóa học. Xới nhẹ quanh gốc và tưới thuốc Ridomil Gold hoặc Acrobat. Chú ý: chỉ sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma sau khi xử lý thuốc 15-20 ngày.
Tóm lại, để cây cây bưởi da xanh phát triển tốt và có khả năng cho trái lâu dài, nhà vườn nên theo đúng qui trình kỹ thuật, chăm sóc đúng mức, không khai thác quá mức khả năng cho trái của cây, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết bất lợi cho cây.
Nguyễn Thị Nguyệt
|