Vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Quốc Dũng, ở ấp 3, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre được đánh giá là một trong những mô hình trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Phòng Kinh tế thành phố Bến Tre đang hướng dẫn anh Dũng thực hiện các bước thủ tục để xây dựng vườn bưởi da xanh của gia đình anh đạt tiêu chí trang trại.
Anh Nguyễn Quốc Dũng trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Quốc Dũng trồng bưởi da xanh từ năm 1998. Lúc đó anh mua 4 nhánh bưởi da xanh của một người dân cùng xã trị giá mỗi nhánh 50.000 đồng. Từ những nhánh bưởi này, anh đã nhân giống trồng tổng cộng 225 cây bưởi da xanh trên diện tích 5 công đất. Từ năm 2002 đến nay, vườn bưởi da xanh của anh Dũng đã đem về thu nhập khá cho gia đình. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do thị trường luôn được mở rộng, bưởi da xanh giá bán ngày càng cao, 5 công đất trồng bưởi da xanh đã đem về cho anh Dũng nguồn thu khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, anh Dũng chăm sóc cây bưởi da xanh dựa vào khả năng kinh tế của gia đình. Vì lẽ đó mà có nhiều cây bị cổi do suy kiệt, năng suất thấp do ra trái không đều…, anh phải đốn bỏ trồng thay cây bưởi mới. Năm 2008, sau khi tham gia khóa học IPM do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức, anh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc vườn bưởi của mình. Ba năm nay, anh Dũng sử dụng phân thuốc trên cây bưởi có thời gian cách ly an toàn, không sử dụng thuốc quá độc để bảo vệ người tiêu dùng và người thân trong gia đình. Anh hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu mà áp dụng nuôi kiếng vàng để diệt sâu. Một năm anh bón phân cho cây bưởi 4 lần, gồm các loại phân chuồng để phục sức cho cây, kết hợp phân 20-20-15 để cây phát triển. 1 tấn phân chuồng anh ủ 1 kg nấm Trichoderma… để giúp cây bưởi nhanh chóng phục hồi bộ rễ cám và trị nấm hại bưởi. Trước mùa mưa, anh rãi vôi bột mỗi cây khoảng 1,5 kg nhằm diệt nấm bệnh dưới gốc cây, hạ phèn và bổ sung độ ngọt cho trái. Đến khi gần hết mùa mưa anh sử dụng thêm thuốc kích thích ra rễ nhằm tạo rễ cám cho cây bưởi sau những tháng mùa mưa rễ bị thối. Bên cạnh đó, cứ mỗi năm anh đều quét vôi thân bưởi diệt nấm, rong trên thân cây. Về việc chăm sóc trái, trong thời gian cây mang trái non, anh tỉa bớt trái xấu, trái đọt, chỉ để lại mỗi nhánh 1 trái, số trái của mỗi cây bưởi tùy theo tán cây mà để cho phù hợp. Sau khi thu hoạch trái, anh tỉa bỏ những nhánh già đã ra trái và những cành vượt không ra trái để cây thông thoáng. Đối với những cây bưởi bị xì mủ, thì cạo sạch vỏ ngoài tới thân trắng rồi quét thuốc Riđômyl trị xì mủ thân cây. Do khu vực trồng bưởi hàng năm thường bị nước mặn xâm nhập, anh Dũng đầu tư khoang giếng lấy nước ngọt tưới cây để cây không bị ảnh hưởng. Anh Dũng phấn khởi cho biết: “Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà hiện nay vườn bưởi da xanh của gia đình tôi phát triển rất tốt, đạt năng suất ổn định. Hai năm nay mỗi năm tôi thu trái bán trên 150 triệu đồng”.
Anh Dũng đang là một trong 20 nông dân ở ấp 3, xã Phú Nhuận thực hiện mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tặng giấy khen đoạt giải III trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất bưởi da xanh thuộc chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre năm 2010.
Cao Dương
|