- Bệnh Tristeza
- Bệnh vàng lá Greening (do vi khuẩn gam âm Candidatus Liberibacter asiaticus)
- Bệnh loét (do vi khuẩn Xanthomonas axonopodis pv. citri)
- Bệnh ghẻ (do nấm Elsinoe fawcetii)
- Bệnh thối gốc chảy nhựa (do nấm Phytophthora spp.)
- Bệnh vàng lá thối rễ
- Bệnh héo xanh trên cây có múi.
1. Bệnh Tristeza: a. Triệu chứng: Bệnh Tristeza là bệnh virus gây thiệt hại nặng cho các vùng trồng cây có múi trên thế giới, đặc biệt là cây được ghép trên gốc ghép là cam chua. Tuy nhiên, ở ĐBSCL bệnh xuất hiện nhiều trên chanh giấy với triệu chứng gân trong nhưng thiệt hại không đáng kể, trên quýt đường với triệu chứng vàng đít trái và rụng sớm và đôi khi trái rụng đến 50%, gây thiệt hại đáng kể đến thu nhập của nhà vườn. Trên chanh tàu thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng lõm thân. Tuy nhiên, trên bưởi khi giám định bằng bộ kít thỉnh thoảng xuất hiện bệnh Tristeza nhưng chưa có kết quả nào ghi nhận cho thấy bệnh gây hại đáng kể. Bệnh lây lan qua chiết, ghép hoặc qua rầy mềm như: rầy mềm nâu (Toxoptera citricida), rầy mềm đen (T. aurantii), rầy mềm Aphis gossipii hay rầy mềm Myzus persicae chích hút nhựa cây và lan truyền bệnh. (Hình 29). Rầy mềm Myzus persicae chỉ lan truyền mầm bệnh của dòng nhẹ. Sau khi chích hút từ cây bệnh, khả năng lan truyền mầm bệnh của rầy mềm bị giảm và mất đi, tuy nhiên do số lượng rầy quá lớn nên khả năng lan truyền mầm bệnh rất cao.
b. Phòng trị: Trồng giống sạch bệnh qua vi ghép đỉnh sinh trưởng và được chứng nhận. Biện pháp kèm theo là tích cực diệt rầy mềm bằng các loại thuốc trừ sâu được khuyến cáo theo các đợt ra đọt non, lá non để tránh lan truyền mầm bệnh. Tiêu huỷ những cây bệnh có triệu chứng lõm thân để tránh lây lan mầm bệnh nguy hiểm. Không sử dụng cành ghép từ những cây có triệu chứng bệnh. Phun thuốc trừ rầy mềm (kết hợp qui trình phòng trừ sâu hại ở giai đoạn cây con). Có lẽ do hiện nay chúng ta chỉ có dòng nhẹ nên khả năng nhiễm dòng nặng thấp hơn.
2. Bệnh vàng lá Greening (do vi khuẩn gam âm Candidatus Liberibacter asiaticus)
Đây là bệnh nguy hiểm và gây hại quan trọng nhất trên cây bưởi, mặc dù so với những cây có múi khác, thì bưởi nhiễm tương đối nhẹ hơn và trong các giống, bưởi da xanh có khuynh hướng nhiễm nhẹ nhất đối với bệnh này. Bệnh lan truyền chủ yếu do cây giống đã nhiễm bệnh và qua nhân giống vô tính như chiết, ghép, lấy mắt từ cây bị bệnh và đặc biệt là do rầy chổng cánh (Diaphorina citri) làm môi giới truyền bệnh. Tuy nhiên, mầm bệnh không lưu truyền qua trứng rầy và hạt giống.
a. Triệu chứng:
Triệu chứng điển hình là lá bị vàng với lốm đốm xanh, vàng lá gân xanh, gân lá bị sưng và hoá bần, khô, những lá mới nhỏ lại, mọc đứng lên, phiến lá vàng gân lá xanh như triệu chứng thiếu kẽm, cây thường cho bông nhiều và trái mùa nghịch và rất dễ rụng, trái nhỏ, bị lệch tâm khi bổ đôi trái ra, một số hạt bị thui đen. Tuy nhiên đối với bưởi da xanh, khi có trái một hay hai năm đầu khi sinh lý cây chưa ổn, trái cũng hay bị lệch tâm. Để giám định bằng triệu chứng, nên kết hợp nhiều triệu chứng lại với nhau sẽ có kết luận chính xác hơn.
b. Phòng trị:
- Sử dụng cây giống sạch bệnh đã được chứng nhận, trồng cây chắn gío để hạn chế mầm bệnh lây lan qua rầy chổng cánh, trồng xen với loại cây trồng khác như ổi, chuối, nhãn,... với mức độ thích hợp.
- Không nên trồng cây có múi vào vùng có áp lực bệnh quá cao mà nên chuyển đổi cây trồng một thời gian và sau đó trồng lại.
- Trong vườn nên treo một số bẩy màu vàng để đánh giá sự xuất hiện của rầy chổng cánh.
- Phun thuốc trừ rầy chổng cánh vào các đợt ra lá non hoặc quét thuốc vào gốc cây ở giai đoạn sinh trưởng (như khuyến cáo). Giai đoạn cây con có thể sử dụng biện pháp tưới thuốc Imidachlorid xung quanh gốc cây và sau đó sử dụng biện pháp sơn gốc như trong phần quản lý rầy chổng cánh.
- Không nên sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
- Không nên trồng cây nguyệt qưới trong vườn vì rầy chổng cánh rất thích đẻ trứng và chích hút trên cây nguyệt qưới và sau đó sẽ bay sang vườn cây có múi với mật độ cao làm tăng nguy cơ truyền bệnh trên vườn.
- Quản lý vườn hợp lý để tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn nhằm góp phần hạn chế mật số sâu rầy.
3. Bệnh loét (do vi khuẩn Xanthomonas axonopodis pv. citri)
a. Triệu chứng:
Bệnh ban đầu xuất hiện trên cành, lá non và trái, triệu chứng ban đầu là những đốm bệnh màu vàng sáng, nhỏ như vết kim châm trên lá non, sau đó bệnh phát triển nhanh thành những vết bệnh màu nâu nhạt (hình 32 và 33). Đường kính vết bệnh biến thiên theo giống trồng, trên bưởi thì vết bệnh thường lớn hơn so với cam quýt và chanh. Chung quanh vết bệnh thường có viền màu vàng sáng, các vết bệnh có thể liên kết lại với nhau thành từng mảng lớn đặc biệt là bệnh nhiễm theo các vết đục của sâu vẽ bùa. Bệnh có thể bị nhầm lẫn với bệnh ghẻ (sẹo), bệnh loét thể hiện trên cả hai mặt lá, chung quanh vết bệnh có viền vàng sáng và không làm lá biến dạng, nhăn nheo. Ngược lại bệnh ghẻ thường hiện diện ở một mặt lá, thường là mặt dưới, vết bệnh nhỏ hơn vết bệnh do loét gây ra và thường nhô cao trên bề mặt phiến lá, chung quanh không có quầng vàng.
b. Phòng trị: Cần tiêu huỷ các cành, lá và trái bị bệnh, dư thừa thực vật trong vườn.
Bệnh có tốc độ lây nhiễm nhanh đặc biệt là trong mùa mưa bão, vì vậy cần chú ý phòng ngừa bệnh bằng những thuốc có gốc đồng.
Cây con trong vườn ươm nên có máy che lúc trời mưa, nước mưa rất thích hợp cho mầm bệnh phát triển, hoặc sau cơn mưa nên tưới lại bằng nước sạch để rửa trôi mầm bệnh có thể có trên lá, đọt non. Trong vườn ươm tránh để cây quá dầy.
Nên trồng cây con sạch bệnh, dụng cụ làm vườn cũng nên khử trùng bằng Javel.
Xử lý vật liệu trồng và đất trước khi trồng, đối với hạt, mắt ghép, trái tại các trạm đóng gói có thể xử lý bằng Javel với nồng độ 1.500 ppm trong 5-10 phút.
Không trồng bưởi với mật số quá cao mà nên theo mật độ khuyến cáo.
Sau khi tỉa cành, tạo tán nên phun thuốc gốc đồng để sát trùng các vết cắt trên thân, cành.
Cần phun thuốc định kỳ với các loại thuốc như Kasuran, Kocide, Coc 85 để phòng ngừa bệnh theo các đợt đọt non.
Khi cây bị bệnh, có thể sử dụng thêm các loại thuốc như Kasumin, Starner, Physan 20 phun theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Phun thuốc trừ sâu vẽ bùa như Applaud 10WP, Ofunack, Vertimic, Confidor.
Trong vườn nên quét vôi vào gốc vào cuối mùa nắng, xới gốc và bón vôi sẽ giúp hạn chế mầm bệnh phát triển.
Trong vườn có nhiều cây bị bệnh nặng, nên hạn chế việc phun nước tưới thẳng lên tán cây vì như vậy sẽ giúp phân tán mầm bệnh trôi nổi trong nước tưới hay bắn các giọt vi khuẩn sang lá, cành, trái khác.
4. Bệnh ghẻ (do nấm Elsinoe fawcetii)
a. Triệu chứng:
Bệnh hiện diện trên cành non, lá, trái. Vết bệnh tạo thành những nốt ghẻ nhỏ cao trên bề mặt lá, thường lộ mặt dưới của lá, vết bệnh có màu vàng rơm, nhiều vết bệnh liên kết lại thành từng mảnh lớn làm cho lá bị nhăn nheo biến dạng, cây sinh trưởng kém, cằn cỗi. Khi tấn công trên cành làm cho cành bị khô và chết. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa theo các đợt lá và chồi non.
b. Phòng trị:
Cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận cây bị nhiễm bệnh.
Phun định kỳ các loại thuốc trừ nấm theo các đợt lá, chồi non các loại thuốc gốc đồng như Norshield, Kasuran, Kocide, Coc 85.
Các biện pháp khác áp dụng như đối với bệnh loét.
5. Bệnh thối gốc chảy nhựa (do nấm Phytophthora spp.)
a. Triệu chứng:
Bệnh thường xuất hiện và tấn công trên các vườn bưởi trồng trên nền đất thấp, kém thoát nước, triệu chứng lúc đầu là vỏ của thân cây bị sủng nước ở xung quanh gốc hay ở cháng hai, cháng ba của cây, sau đó vỏ cây bị thối có màu nâu hợp thành những vùng bất dạng, kèm theo là ứ nhựa ra màu nâu đen và có mùi hôi.
Cạo vùng vỏ bị bệnh thấy phần thân gỗ bên trong cũng bị thối nâu, bệnh lan dần lên trên hay quanh thân chính và rễ cái. Cây bệnh có bộ rễ ngắn, ít rễ tơ và rễ rất dễ bị tuột vỏ. Bộ lá thường chuyển sang màu vàng, các gân chính của lá có màu vàng đậm hơn do thiếu dinh dưỡng. Lý do chính là bộ rễ đã bị hư như mô tả ở trên, nên dẫn đến các cành vượt, các nhánh lớn chết dần, cuối cùng chết cả cây. Vào mùa mưa ở các vườn trồng mật độ dầy, kém thoát nước, ẩm độ không khí cao thì nấm Phytophthora dễ tấn công và gây hại nặng.
b. Phòng trị:
Chọn gốc ghép chống chịu bệnh như Troyer, Carrizo citrange, Trifoliata, Cleopatra hoặc bưởi đỏ. Hạt gieo làm gốc ghép nên được sử lý với nước nóng 52oC trong 10 phút. Vườn ươm cần sử lý thuốc trừ nấm trước khi gieo hạt như Copper Zinc, Ridomyl Gold, Aliette 80WP.
Vườn ươm ngoài đồng và nhà lưới sản xuất nên tránh nhiễm Phytophthora thông qua việc sử dụng mắt ghép sạch bệnh. Nếu có thể, công nhân và dụng cụ nên được sạch sẽ, không nhiễm bệnh, trước khi lọt vào vườn ươm nên được khử trùng, đường đi nên có khử trùng bằng thuốc gốc đồng. Nguồn nước tưới từ kênh rạch, sông, ao phải được quản lý và xử lý bệnh.
Đất trồng phải được lên mô cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng với khoảng cách hợp lý (khi cây cho thu hoạch không giao tán với nhau), tránh độ ẩm cao ở phần gốc và nên sử lý thuốc trừ bệnh trước khi trồng.
Kết hợp với việc tỉa cành tạo tán giúp cho cây được thông thoáng để hạn chế bệnh phát triển.
Khi trong vườn có cây bị bệnh, ta dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị nhiễm và dùng thuốc Ridomyl Gold hoặc Aliette pha với liều lượng 20g/lít nước rồi dùng cây cọ sơn bôi thuốc lên chỗ đã cạo nhiều lần đến khi vết bệnh khô hẳn.
Trong giai đoạn cây cho trái cần phun ngừa định kỳ 10-15 ngày một lần để tránh bệnh xâm nhiễm làm trái bị thối bằng các loại thuốc như trên theo liều lượng khuyến cáo.
Khi cây bưởi có gốc tương đối lớn, chúng ta có thể sử dụng thuốc Phosphonate (Agri phos) để bơm vào trong thân cây cũng có tác dụng phòng ngừa bệnh rất tốt. Sau mỗi 3 tháng bơm một lần. Tuy nhiên, trong mùa mưa do lượng nước trên cây nhiều nên tốc độ bơm rất chậm.
Vườn cây nên được bón nhiều phân hữu cơ và cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào trong đất xung quanh gốc cây để nấm hoạt động và tiêu diệt các mầm bệnh là nấm đất còn tồn tại trong đất hay xác bã thực vật nằm trong đất.
Gốc cây cũng nên được quét vôi mỗi năm từ 1 đến 2 lần, vào cuối mùa nắng hay đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, chiều cao của vết quét ít nhất là 50 cm kể từ gốc cây, xung quanh gốc nên rải vôi. Vôi có tác dụng làm hạn chế sự nẩy mầm của bào tử nấm.
6. Bệnh vàng lá thối rễ (Nấm Fusarium solani và một số nấm đất khác).
a. Triệu chứng
Bệnh xuất hiện triệu chứng trên lá, lá bị biến vàng, đặc biệt là phiến gân lá bị vàng (khác với triệu chứng của bệnh vàng lá Greening). Hiện tượng vàng lá có thể xảy ra trên một vài nhánh hay trên toàn cây. Triệu chứng xuất hiện trên lá già, sau đó đến các lá non. Khi cây bệnh bị lay động mạnh hoặc có gió mạnh làm cho lá vàng bị rụng nhiều, có khi trơ cả cành và cây chết dần.
Khi quan sát bộ rễ theo hình chiếu xuống của cành bị bệnh, thì thường những rễ theo hướng này bị hư, thối, đặc biệt là rễ non bị thối và tuột vỏ, như vậy rễ sẽ mất khả năng hấp thu dinh dưỡng và nước để nuôi cây.
b. Phòng trị:
Cần phân biệt rõ bệnh Vàng lá Greening, bệnh Tristeza và vàng lá thối rễ để có biện pháp đối phó thích hợp.
Thực hiện giống như những biện pháp đối với bệnh khác là sử dụng cây giống sạch bệnh, có hàng cây chắn gió, lên liếp cao, có rãnh thoát nước tốt, có bờ bao để ngăn lũ, thoát úng.
Nên rải vôi trước khi trồng để loại trừ mầm bệnh có trong đất. Hàng năm nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây trên 50cm vào cuối mùa nắng.
Bón nhiều phân hữu cơ để cải thiện đặc tính đất kết hợp với cung cấp nấm đối kháng Trichoderma, tăng cường hoạt động của các vi sinh vật trong đất.
Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, cắt bỏ những cành bị vàng, rễ theo hình đối chiếu.
Khi cây bị bệnh xới nhẹ xung quanh gốc và tưới thuốc Ridomyl Gold khi có bệnh xuất hiện và chỉ sử dụng Trichoderma sau khi xử lý thuốc 20 – 30 ngày.
Rải thuốc trừ tuyến trùng xung quanh rễ (sử dụng Regent 0.3 G).
Trong vườn nên trồng cỏ (cách gốc 50 cm) để giúp đất thoát nước tốt khi mưa dầm.
Nên có hệ thống đê bao chắc chắn, máy bơm nước ra khi mưa dầm.
7. Bệnh héo xanh trên cây có múi.
Đây là một bệnh khá mới trên cây có múi, đặc biệt là trên bưởi năm roi và cam sành với triệu chứng lá cây vẫn phát triển bình thường, buổi sáng vẫn xanh tốt, đến trưa thì là rũ xuống như thiếu nước, sau đó vào buổi chiều cây tương đối xanh trở lại, nhưng sau đó vài ngày thì cây héo hẳn và rụng lá, chết sau đó. Đối với bưởi da xanh thỉnh thoảng cũng thấy xuất hiện bệnh này.
Khi quan sát phần gốc thân, thấy có nhiều rệp sáp đất (Pseudococcus sp) tấn công vào hệ thống rễ chính đến rễ phụ của cây, khi bị nặng có một lớp sáp xốp bao quanh rễ, gốc cây, rễ cây bị tấn công bởi nấm Clitocybe tabescen. Xung quanh gốc cây có nhiều tai nấm to màu nâu vàng.
Bệnh gây hại nặng trong mùa nắng hơn là mùa mưa do rệp sáp tấn công vào hệ thống gốc cây, trong khi đó mùa mưa làm giảm mật số phát triển của rệp sáp.
Bệnh xảy ra trên cây nhỏ vài ba năm tuổi nhiều hơn là những cây to.
Phòng trừ bằng cách quan sát thường xuyên vườn cây có múi, khi thấy xuất hiện hiện tượng héo là phải quan sát ngay bộ rễ, nếu thấy rệp sáp là phải xử lý toàn vườn để phòng ngừa bằng thuốc trừ rệp sáp. Trong các loại thuốc thì Nokaph là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất độc và để lại dư lượng, bà con có thể sử dụng thuốc ít độc hơn như Regent 0.3 G để rải xung quanh gốc sau khi đã xới xáo.
Nên sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma.
|