Nhằm triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu: Xác định dòng vô tính đặc trưng phục vụ xây dựng thương hiệu cho giống bưởi Da xanh của tỉnh Bến Tre. Ngày 31/12/2008 Trung tâm Giống cây trồng Bến Tre tổ chức buổi hội thảo khoa học qua kết quả ứng dụng kỹ thuật bằng phương pháp phân tích điện di Protein và DNA trên cây bưởi Da xanh để xác định mức độ đa dạng di truyền của giống bưởi Da xanh trong tỉnh Bến Tre.
Đề tài được sự phối hợp của các giảng viên khoa Công nghệ sinh học trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu trên các thiết bị phân tích như bộ nguồn chạy điện di protein SDS-PAGE, kỹ thuật DNA và các hóa chất nhuộm màu,… Phương pháp nghiên cứu bằng theo dõi độ prix, thử tỷ lệ nẩy mầm, điện di protein, điện di DNA (phương pháp nuclear pellet), đánh giá độ tróc vỏ, bề dày vỏ trái...
Qua nghiên cứu, kết quả cho thấy các cây bưởi Da xanh của 5 hộ nhà vườn: Ông Phạm Nguyễn Trãi, Anh Trường, Ông Hai Hoa, Ông Thầy giáo Phúc, Thầy giáo Hiệp thì cây bưởi của Ông Hai Hoa (Sơn Định-Chợ Lách), Thầy giáo Phúc (Mỹ Thạnh An-Thị Xã) hạt phấn hoa bưởi không nẩy mầm chiếm tỷ lệ rất cao (80-83%) nên khả năng trái bưởi ít hạt hoặc không hạt rất lớn. Vì vậy, cây bưởi Da xanh của Ông Hai Hoa và Thầy giáo Phúc thường khi chúng ta thấy ít hạt hay chỉ có hạt mài (hạt nhỏ) hoặc không hạt. Điều nầy giải thích do cơ chế hạt phấn hoa bưởi tự bất dục hay tự bất dung hợp khi thụ phấn sẽ cho ra trái bưởi không hạt hoặc ít hạt với điều kiện không có thụ phấn chéo với các cây cùng họ.
Hội thảo bước đầu đã đánh giá kết quả sơ bộ do phân lập được sự khác biệt giữa các mẫu phân tích điện di protein và đánh dấu từng mẫu từng cây của từng hộ, so sánh trên các mẫu một số biểu hiện như không có hạt to, ít hạt, không hạt, độ prix trên trái bưởi Da xanh của các hộ nêu trên vật mẫu khi xác định tuyển chọn nguồn giống dùng cho việc tự công bố chất lượng, đăng ký thương hiệu…
Trước mắt, nhóm nghiên cứu đề tài khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp như bao hoa bưởi khi thụ phấn, hoặc chỉ trồng chuyên một giống mà không trồng xen nhiều giống cùng họ trên một vườn để hoa bưởi khó được thụ phấn chéo cho trái ít hạt hơn.
|