Vào những năm trước đây, Thạnh Ngãi là một trong những xã có diện tích trồng cam lớn của huyện Mỏ Cày Bắc. Do cây cam qua nhiều năm trồng bị xuống sức, vàng lá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nên nhiều người dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các mô hình kinh tế mới vào sản xuất, và bưởi da xanh là loại cây được đưa vào nhóm cây ăn quả có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, được nhiều nông dân xã chọn làm cây chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình.
Hiện, xã có diện tích trồng bưởi da xanh trên 66 ha, trong đó có 8,5 ha bưởi da xanh nằm trong Chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đến năm 2010 của Sở Khoa học công nghệ tỉnh, với 22 hộ tham gia, nhiều nhất là ấp Chợ Cũ và Chợ Mới. Hộ ít nhất có diện tích 2 công đất, và cao nhất là 7 công đất trồng bưởi da xanh. Nhằm tạo điều kiện cho người trồng bưởi nâng cao kỹ thuật kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, tiêu thụ, Hội Nông dân xã Thạnh Ngãi đã thành lập tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh vào năm 2006, gồm 22 thành viên, diện tích 8,5 ha. Hiện nay, các vườn bưởi đang phát triển tốt, cho năng suất cao, điển hình như vườn bưởi của ông Lê Văn Điệu, Trần Văn Cững, Lê Văn Bé Sáu ngụ cùng ấp Chợ Cũ.
Riêng vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Nam-sinh năm 1962, ấp Chợ Cũ, xã Thạnh Ngãi có diện tích hơn 4 công với khoảng 120 cây, nằm trong dự án phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre đến năm 2010. Theo ông Nam thì cây bưởi rất dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, kể cả đất phèn chua. Bưởi có trái quanh năm, mỗi trái nặng trên 1,2kg. Trong khi đó, công chăm sóc, chi phí cho phân, thuốc không nhiều, mỗi năm bón phân 3 lần vào đầu, cuối mùa mưa và tháng chạp, ngoài ra còn có thể tận dụng phân chuồng để bón, giúp đất tơi xốp, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Vườn bưởi của ông đã cho thu hoạch được 2 năm, năng suất, 1,2 tấn trái/năm, trừ đi chi phí phân thuốc, ông Nam còn lãi trên 50 triệu đồng.
Ngoài việc động viên, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội Nông dân xã còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Trạm khuyến nông huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT mở các lớp tập huấn về trồng bưởi da xanh, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trồng trọt đến tận người dân. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, xã đã mở 2 lớp tập huấn về trồng bưởi cho gần 80 học viên tham gia.
Gần đây, Hội Nông dân xã vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bến Tre tổ chức lớp tập huấn trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP cho 38 học viên là nông dân 2 ấp Chợ Mới, Chợ Cũ. Nhằm hướng dẫn nông dân quản lý vườn bưởi theo hướng chất lượng và an toàn GAP, vệ sinh an toàn thực phẩm cho trái cây theo hướng hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, tăng nguồn phân bón hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP là một thử thách không chỉ của nông dân Thạnh Ngãi mà với cả nông dân của huyện Mỏ Cày Bắc, nhưng đó cũng là điều kiện, cơ hội để người dân dần tiến đến phương thức sản xuất hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao được chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của bưởi da xanh trên thị trường.
Ngọc Tuyền
|