Các tỉnh ĐBSCL đang trồng thêm 500 ha bưởi da xanh, nâng tổng diện tích trồng giống cây ăn quả đặc sản này lên 6.500 ha.
Các tỉnh cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích canh tác giống bưởi da xanh và nên sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP vì giá trị xuất khẩu cao, người trồng bưởi được lợi nhiều hơn.
Liên tục trong 3 năm qua, bưởi da xanh tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trúng giá. Hiện, giá quả bưởi nặng 1kg trở lên từ 17-20.000 đồng/kg. Có thời điểm lên tới 30.000-35.000 đồng/kg. Giá bán tại vườn thấp hơn mức giá nêu trên khoảng 30% nhưng người trồng thu lãi trên 50% so giá bán ra... Nguyên nhân là do cung không đủ cầu, đặc biệt là do đơn đặt hàng tại nước ngoài tăng cao.
Hiện, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 3.500 ha đang cho trái, nhiều nhất tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long. Theo nhà vườn, trồng theo tiêu chuẩn 400 cây/ha, chăm sóc tốt, đến năm thứ 3, thứ 4 thì cây cho trái nhưng không nhiều. Sau 5 năm, mỗi cây cho bình quân 35 trái mỗi năm (mỗi trái nặng 1 kg trở lên). Năng suất mỗi ha 14 tấn trái/năm. Nếu cây 10 năm tuổi trở lên sẽ cho từ 60-80 tấn trái/ha.
Bưởi da xanh có nguồn gốc tại Bến Tre từ hàng chục năm trước, đến năm 1999 mới được mọi người biết đến qua hội thi trái ngon vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tên là "bưởi ngon". Vỏ quả bưởi từ lúc còn non đến chín luôn có một màu xanh lá cây nên người dân đặt tên là bưởi da xanh. Hiện giống bưởi này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất đại trà tại các tỉnh phía Nam. Giống bưởi này giàu vitamin được xem là ngon nhất trong các loại bưởi ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo news.hnsv.com
|