Tại ngày hội “Trái cây ngon, an toàn tỉnh Bến Tre 2005”, bưởi da xanh lại một lần nữa đạt giải nhì (không có giải nhất). Nhân dịp này, Trường ĐH An Giang và UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội thảo khoa học về giống bưởi được ví là bưởi “vua” này. Cơn sốt trồng bưởi da xanh đang thật sự lan tỏa khắp các nhà vườn.
Đường đến nghị quyết
Bưởi da xanh có nguồn gốc từ ấp Thanh Sơn (xã Thanh Tân, Mỏ Cày, Bến Tre) bên kia sông Hàm Luông nhưng được trồng nhiều nhất tại xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre, bên này sông Hàm Luông. Nằm dọc bờ sông hai mùa mặn ngọt, giống bưởi quý hiếm này chỉ thực sự được người ta chú ý đến trong khoảng một thập niên trở lại đây do chất lượng của nó vượt trội so với tất cả các loại bưởi khác.
Lão nông Mười Râu (Nguyễn Văn Mười, ngụ Mỹ Thạnh An) tâm sự: “Năm 1991, một nông dân ở đây xin được 1 nhánh bưởi lạ từ vườn nhà ông Ba Rô bên kia sông Hàm Luông về trồng thì thấy cho trái rất ngon ngọt nên đến 1996 chúng tôi nhân ra trồng rải rác trong toàn xã”. Cũng vào thời điểm này, bưởi da xanh được một số lão nông đưa đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (VNCCAQMN) để dự thi. Kết quả, mấy ông già chân tay lấm phèn của Bến Tre mang về đầy một giỏ đệm, trong đó có bằng khen, giấy chứng nhận giải B (nhì) và một xấp tài liệu hướng dẫn trồng bưởi. Danh tiếng bưởi da xanh từ đấy được nông dân đồng bằng biết đến, diện tích bưởi trong tỉnh từ vài cây ban đầu tăng vọt lên 1.500 ha.
Theo thạc sĩ Võ Hữu Thoại –VNCCAQMN- giống bưởi này đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép sản xuất đại trà tại các tỉnh phía Nam. Ngoài vitamin C, A, B1, B2…, bưởi da xanh còn có các chất khoáng rất tốt cho sức khỏe. Còn theo các lão nông tri điền, bưởi da xanh sở dĩ được tôn vinh là bưởi “vua” vì ăn rất ngọt, ráo nước, không hạt (hoặc rất ít), vỏ mỏng, thịt bưởi đỏ sậm bắt mắt và cho trái quanh năm. Giá hiện thời của bưởi da xanh - tại vườn - đã lên đến 18.000đ/kg, gấp 3-3,5 lần giá các loại bưởi khác. Liên tiếp trong các kỳ đấu xảo trái ngon những năm qua, bưởi da xanh luôn chiếm giải cao nhất và UBND tỉnh Bến Tre đã đưa vấn đề quy hoạch vùng trồng bưởi da xanh vào nghị quyết... bưởi.
Về thăm “vua” bưởi
Theo chỉ dẫn, chúng tôi vượt sông Hàm Luông rẽ vào con đường đất hẹp để đến nhà “vua” bưởi, nông dân Đặng Văn Rô (Ba Rô), ấp Thanh Sơn, Thanh Tân, Mỏ Cày. Trong nhà lão Ba Rô, chỉ có bưởi và bằng khen, từ của Bộ NN-PTNT đến của các tỉnh, các viện khoa học, trường đại học.
Bóc phần vỏ xanh bên ngoài, lão Ba Rô tỉ mẩn tách từng múi bưởi hồng hào đặt lên đĩa sứ, khoe: “Bưởi này để cả tháng trời mà vỏ không héo, chất lượng không thay đổi. Năm rồi, tui có hai chục ngàn cây bưởi giống mà vẫn không đủ bán bởi người mua nườm nượp, còn mình thì lấy uy tín làm trọng, không dám sản xuất giống đại trà”. Theo xác nhận của các nhà khoa học, nông dân Ba Rô là người đầu tiên có giống bưởi quý này, còn ông Rô – khi được hỏi - thì cười vang: “Bây giờ giống bưởi này là của chung toàn dân rồi”.
Chuyện bưởi da xanh của lão nông Ba Rô được nhiều giải thưởng, được Bộ Khoa học-Công nghệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền Bưởi BR99 da xanh (kỷ niệm năm 1999 đoạt giải nhì hội thi đấu xảo trái ngon), được các nhà nông và báo chí tôn xưng là “vua”… thì nhiều người biết nhưng chuyện lão nông Ba Rô vì quyết giữ cây bưởi đầu giòng mà bán tất cả tài sản, vì bưởi mà hư một con mắt… thì hiếm ai tường tận.
Lão Ba Rô chỉ tâm sự một điều: “Tui nhờ thằng con rành về vi tính đưa bưởi lên in tờ nét, in tờ niếc gì đó, họ điện thoại đặt mấy chục tấn cùng một lúc, làm sao tụi tui lo xuể. Trong tỉnh Bến Tre này, bà con chỉ trồng rải rác, lượng trái đâu có nhiều. Bỏ mấy mối đó, tui tiếc đứt ruột, tiếc cho mình một, tiếc cho bà con tới mười”.
Để “nghị quyết bưởi” vào cuộc sống
Dưới góc độ một nhà khoa học, thạc sĩ Võ Hữu Thoại nhận định: “Cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để cải thiện chất lượng bưởi như: chọn giống đã được công nhận (đã được tuyển chọn qua các hội thi cây giống tốt, hội thi trái ngon), sạch bệnh và dùng phân bón chuyên dùng cho bưởi da xanh; xây dựng lưới hay hàng cây chắn gió cho bưởi; dùng bao giấy để bao trái, dùng vòi nước áp lực mạnh đánh bật các loài sâu hại bám trên cây; áp dụng biện pháp tỉa bớt trái, tỉa cành; nuôi kiến vàng trong vườn bưởi và nhất là cần độc canh loài bưởi da xanh, không trồng xen vì sẽ làm trái có hạt”.
Còn với tư cách một nhà quản lý, ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Tỉnh đang xây dựng thương hiệu bưởi da xanh, tập trung đưa thương hiệu này phát triển mạnh, làm sao cứ nhắc đến bưởi da xanh là người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến Bến Tre và ngược lại. Nông dân trồng bưởi sẽ vào hợp tác xã hết. Chúng tôi đã có hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, đơn vị này đứng ra tổ chức hội thảo, cung cấp giống có xác nhận, điều tiết thời vụ nhằm tránh dội chợ, bao tiêu sản phẩm… cho xã viên nhưng cung vẫn không đủ cầu. Uûy ban tỉnh phân công một đồng chí phó chủ tịch nắm và chỉ đạo sâu sát vấn đề này, kịp thời đề xuất Tỉnh ủy các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến bưởi”. “Nghị quyết bưởi” đã và đang đi vào cuộc sống, được nông dân đồng tình. “Vua” bưởi còn đang ấp ủ một ước mơ: đưa bưởi đi Tây!
Dương Minh Anh Theo Website sggp.org.vn
|