Trong những tháng vừa qua, giá bưởi da xanh không ngừng tăng cao, tạo tâm lý phấn khởi và niềm tin của người nông dân vào loại cây trồng đầy tiềm năng này.
Xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc hiện có trên 10 ha trồng bưởi da xanh, với khoảng 40 hộ dân, trồng nhiều ở các ấp Tân Long 2, Tân Long 1 và Tân Thiện, mỗi hộ trồng ít nhất là 1 công và nhiều nhất trên 7 công, với khoảng 3.000 gốc bưởi. Điển hình như 3 công đất vườn trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1958 và bà Nguyễn Thị Bạch Cúc-sinh năm 1960, ngụ ấp Tân Long 2, là một trong những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao của xã.
Ông Nguyễn Văn Đông, ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình.
Những cây bưởi gốc to, tán lá xòe rộng che mát cả lối đi và những trái bưởi căng tròn đầy sức sống đong đưa trước gió là thành quả của hơn 12 năm vợ chồng ông cần mẫn chăm sóc, vun bón. Ngoài thuận lợi là vùng đất màu mỡ, được phù sa bồi đắp quanh năm và hệ thống đê bao vững chắc, ngăn không cho nước ngập và nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến cây trồng, thì còn phải kể đến sự cần cù, chịu khó của gia đình. Bởi bưởi da xanh là loại cây trồng “khó tính”, đòi hỏi nhu cầu về nước tưới và kỹ thuật chăm sóc rất cao. Từ lúc cây còn nhỏ đến khi cây trưởng thành cho trái, vào mùa nắng mỗi ngày đều phải tưới nước, có khi nắng gắt thì tưới 2 lần trong ngày. Để cây có chất dinh dưỡng và kích thích cho bộ rễ phát triển, cách hai năm một lần, khi cây hết trái, ông Đông tiến hành rãi phân chuồng lên gốc cây, sau đó đậy lá lại và bồi bùn non lên liếp, tiếp tục phủ thêm một lớp lá cây trên mặt bùn. Bí quyết của ông là khi bổ sung bùn non lên mặt liếp ông không bồi láng lớp bùn, mà chỉ móc bùn bồi lên liếp để cho đất có kẽ hở, tạo độ thông thoáng, giúp cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng, rút nước và phân bón vào rễ cây.
Khâu quan trọng nhất trong trồng bưởi là kỹ thuật bón phân cho cây. Loại phân được ông ưu tiên sử dụng là phân sinh học Wehg. Ban đầu khi sử dụng loại phân này, cách 1 tháng ông tưới phân xung quanh gốc 1 lần, sau đó cách 3 tháng tưới phân 1 lần. Đây là loại phân có chiết xuất từ đậu nành, tăng cường hoạt động của rễ cây, giúp cây trồng dễ hấp thu nước và chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó ông còn kết hợp phun đều phân vừa đủ ướt lên toàn bộ thân, lá, trái mỗi tháng 1 lần trước khi cây trổ bông 10-15 ngày và sau khi cây kết thúc ra bông 10-15 ngày, giúp xua đuổi sâu rầy gây bệnh trên cây, ăn hại lá và chống rụng trái non. Ngoài ra, để cây phát triển toàn diện và tăng sức đề kháng, ông Đông còn kết hợp bón phân hóa học NPK và phân chuồng. Nhằm kích thích cây ra hoa mạnh, nuôi dưỡng trái và tăng cường thêm độ ngọt, chống nứt trái, quả to, bóng, căng tròn có chất lượng cao. Kinh nghiệm sau 12 năm trồng bưởi của ông Đông là khi sử dụng phân hóa học không nên sử dụng một loại vì như vậy sẽ làm chay đất và cây trồng ít hấp thu chất dinh dưỡng từ phân. Vì vậy, cần phải kết hợp nhiều loại phân với nhau để cây tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và sức đề kháng.
Ông Đông cho biết, trong quá trình chăm sóc từ khi cây còn nhỏ đến nay ông không tiến hành phun thuốc trừ sâu, rầy, vừa tiết kiệm được chi phí vừa tránh làm ảnh hưởng đến nguồn nước môi trường xung quanh. Thay vào đó, ông tiến hành nuôi kiến vàng, cho kiến ăn một số loại thức ăn như đầu cá, tép, ruột gà, vịt để tăng số lượng đàn kiến. Nuôi kiến vàng trong vườn là một trong những biện pháp phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả nhất trong trồng cây có múi.
Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức mà chất lượng vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Đông ngày càng được nâng cao, là một trong những hộ có mô hình bưởi da xanh đạt hiệu quả cao và đầy tiềm năng của xã Tân Thành Bình. Trung bình mỗi tháng 3 công đất trồng bưởi của ông cho thu hoạch từ 400 đến 500 kg, với giá bưởi hiện tại khoảng 37.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập cho gia đình trên 12 triệu đồng. Trừ đi các khoảng chi phí, mỗi năm gia đình ông còn lời trên 100 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Trương-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Bình cho biết, trước tình hình giá bưởi tăng cao, ổn định và đặc biệt đây là loại cây trồng có chất lượng cao, được nhiều người ưa thích trên thị trường trong và ngoài nước, Hội Nông dân xã đã khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp trồng bưởi da xanh với các loại cây khác để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, hội còn là chiếc cầu nối giúp bà con tiếp cận với các kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ.
Hiện, xã đã thành lập được 1 câu lạc bộ bưởi da xanh vào năm 2011, với 33 thành viên, diện tích bưởi da xanh gần 8 ha. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Ngoài tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật trên các tài liệu, tờ bướm của Trạm Khuyến nông, Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện,… các thành viên trong câu lạc bộ còn chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích trong vấn đề xử lý các loại sâu bệnh xảy ra trên cây bưởi da xanh, cũng như hiệu quả từ việc bón phân hợp lý giúp cây bưởi có năng suất, chất lượng cao, tình hình biến động giá cả thị trường tiêu thụ. Từ đó, giúp nhiều thành viên từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và diện tích trồng bưởi da xanh.
Có thể nói, cây bưởi da xanh đã và đang có nhiều ưu thế để mở rộng diện tích và năng suất hơn nữa trong thời gian tới. Điều cần thiết và cấp bách nhất hiện nay là các cấp, các ngành cần phải nhanh chóng xây dựng các mô hình hướng người nông dân tiếp cận với cách trồng hiện đại và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chất lượng trái bưởi ngày càng được nâng cao và vươn xa hơn ra thị trường theo con đường xuất khẩu.
Ngọc Tuyền
Đài Truyền thanh huyện Mỏ Cày Bắc
|