Ông Trương Văn Hoa ở ấp Kinh Đông, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm nổi tiếng trong khu vực là nông dân cần cù lao động, sản xuất giỏi. Khoảng 10 năm trước đây, mảnh vườn trồng quýt, chanh của ông là một trong những mô hình đem về giá trị kinh tế cao. Chuyển sang trồng cây bưởi da xanh, mỗi năm ông Hoa đạt thu nhập từ 150 đến trên 200 triệu đồng.
Ông Hoa thu nhập cao từ cây bưởi da xanh.
Năm 2005, khi vườn chanh có dấu hiệu bị cỗi, giảm năng suất, ông Hoa tìm đến huyện Chợ Lách mua bưởi da xanh giống về trồng xen trong vườn chanh. Sau đó, khi cây bưởi phát triển ông lần lượt loại bỏ cây chanh và nhân giống trồng đại trà 400 cây bưởi da xanh trên diện tích 1,3 ha đất của gia đình.
Đến năm 2008, những cây bưởi da xanh trồng đầu tiên đã đem về thu nhập cho gia đình ông Hoa. Sản lượng bưởi ngày càng tăng. Năm 2010, vườn bưởi ông thu hoạch trên 5 tấn trái, đạt thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Năm 2011 năng suất tăng lên 7 tấn trái, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Với vườn bưởi đang phát triển tốt và bước vào thời kỳ cho trái ổn định, năm 2012 này chắc chắn năng suất và thu nhập của ông Hoa sẽ tăng cao hơn. Từ đầu năm đến nay, dù là thời điểm vụ nghịch, nhưng ông đã thu hoạch trên 2 tấn trái. Với giá bưởi dao động từ 35.000 đến 37.000 đồng/kg bưởi loại một, ông đã đạt nhập trên 70 triệu đồng.
Để có vườn bưởi tươi tốt, đạt năng suất cao là nhờ ông Hoa vận dụng kinh nghiệm trồng cây có múi mà mình đúc kết trước đây, kết hợp với kiến thức được trang bị khi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng bưởi. Ông Hoa cho biết: “Trồng bưởi da xanh quan trọng nhất là chọn giống sạch bệnh và trồng trên mô cao để cây phát triển tốt, thu hoạch trái bền. Lúc bưởi còn nhỏ phải theo dõi chăm sóc thường xuyên, mỗi tháng tưới phân một lần. Khi cây đã lớn, mỗi năm tôi bón phân hóa học cho vườn bưởi một lần vào tháng 4 âm lịch, bình quân 1.000 m2 bón 1 bao phân NPK 20-20-15. Bên cạnh đó, để đất giữ được độ tơi xốp, cung cấp phân hữu cơ cho cây, mỗi năm 1 gốc bưởi tôi bón khoảng 5 kg phân cút. Đối với việc tưới nước vào mùa nắng, cách 3 hoặc 4 ngày tôi tưới một lần, thời điểm nước nhiễm mặn tưới cây vào buổi chiều tối để sự phát triển của cây không bị ảnh hưởng của độ mặn cao như lúc trưa nắng và không tưới trên lá cây. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tỉa cành, để trái vừa với sự phát triển của cây để cây bưởi lâu suy và thông thoáng ít sâu bệnh. Nuôi kiến vàng trên cây bưởi cũng rất quan trọng, kiến vàng sẽ tiêu diệt rất hiệu quả một số côn trùng hại bưởi”.
Để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất, ở các khoảng đất trống trong vườn, ông Hoa còn trồng xen các loại cây có múi khác như: cam xoàn, cam sành, quýt đường. Các loại cây trồng phụ này mỗi năm tăng thêm thu nhập cho ông trên 50 triệu đồng.
Với mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, trong 2 năm 2010-2011 ông Hoa được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Cao Dương
Đài Phát thanh truyền hình Bến Tre
|