Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Đông (TP Bến Tre), chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Tấn Tài ở ấp 2. Hơn 6 công bưởi da xanh, cây nào cũng um tùm, nặng trĩu vì sai trái có ai nghĩ được đó là thành quả của người nông dân tật nguyền bởi cơn sốt bại liệt từ bé đã làm anh không được lành lặn như bao người khác. Hôm chúng tôi đến, anh cặm cụi ngoài vườn, những bước chân khập khiển, bước thấp bước cao để chăm sóc cho cây, hết tỉa cành rồi đến bón phân, xới đất,… Nghề làm nông với người bình thường đã khó, đối với anh Tài lại càng khó hơn nhưng nhờ ý chí vươn lên làm giàu đã giúp anh vượt qua nhiều thử thách.
Do tình trạng sức khỏe nên anh không trồng rau màu như trước đây nữa mà chuyển sang trồng cây ăn trái từ năm 1993, chủ yếu là bưởi năm roi. Sau đó, anh mua 3 nhánh bưởi da xanh từ Mỹ Thạnh An về trồng thấy trái ngon nên đốn bưởi 5 Roi và chiết nhánh trồng bưởi da xanh xen sơ ri. Hiện nay, anh đã đốn dần sơ ri và bắt đầu trồng chuyên bưởi da xanh trên 6,5 công đất. Anh Tài tâm sự: “Tôi áp dụng mô hình VAC, không để cho mình rãnh lúc nào, trong vườn luôn khép kín, mương thì nuôi cá, trên bờ nuôi heo, gà, trồng cây và hầu như loại nào cũng có giá trị kinh tế”.
Với kinh nghiệm học được từ những người đi trước, kết hợp kiến thức thông qua các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh do Phòng Kinh tế Thành phố Bến Tre, Chi cục bảo vệ thực vật,… hướng dẫn mà anh đã áp dụng có hiệu quả trên vườn bưởi gia đình. Hiện nay, hàng tháng thương lái đến tận vườn mua, không phân loại bưởi, giá trung bình 28.000 đồng/kg, cũng cho gia đình thu nhập trên 7 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của anh Tài, bưởi da xanh bản thân khi chín là không hạt (nếu 5 hạt trở xuống), nên không cần xử lý. Điều quan trọng là tránh trồng các cây có múi khác trong vườn bưởi da xanh vì như thế cây sẽ bị thụ phấn chéo, bưởi chín có nhiều hạt. Để chọn giống tốt, nên chọn những cây có nhiều năm tuổi, xanh tốt không mầm bệnh để chiết nhánh và trồng trên mô được đắp sẵn. Trong quá trình chăm sóc, phải cắt cành, tạo tán để cây có nhiều cành, tán rộng sẽ cho nhiều trái hơn. Để có được trái bưởi ngon, đẹp cho thị trường, theo anh Tài, những chùm có nhiều trái nên tỉa thưa chỉ để lại 1-2 trái, giữa những trái đặt những nhen dừa, để tránh sâu bệnh. Ngoài ra anh Tài còn bật mí thêm, không nên xử lý cây cho trái vụ nghịch, mà tốt nhất nên cho trái quanh năm, trên cùng 1 cây có trái lớn nhỏ nhiều cỡ như vậy sẽ có lợi hơn. Vào mùa nghịch của bưởi là lúc thời tiết lạnh, nhu cầu thị trường ít hơn, vì thế giá cả cũng không cao hơn vụ thuận.
Nguyên nhân khiến anh Tài không trồng bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP mặc dù anh hội tụ đủ các điều kiện bởi anh luôn quan điểm nhà nông phải chăn nuôi cho vui, đồng thời có thêm nguồn thu nhập. Hiện, anh nuôi heo và xây hầm biogas phục vụ cho sinh hoạt gia đình ngoài ra còn dùng phân chuồng bón cây giúp bổ sung chất dinh dưỡng, hạn chế dùng phân hóa học, tiết kiệm chi phí,… Về phân bón, cây ở giai đoạn từ 1-3 năm tuổi thì chia thành nhiều đợt để bón trong năm chủ yếu là NPK 20-20-15 liều lượng 100gr/cây đồng thời kết hợp từ 5-10 kg phân chuồng/cây. Tùy vào độ tuổi và thời điểm của cây mà tăng liều lượng phân bón cho thích hợp. Bên cạnh đó cũng thường xuyên chăm sóc cây, vòi đọt là bệnh xuất hiện nhiều trên những đọt non của cây nên sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh tật không làm anh chùn bước mà chính nghị lực vươn lên làm giàu là động lực giúp anh tạo dựng cho mình cơ ngơi vững dàng. Hàng năm trừ đi chí phí, anh còn lãi trên 120 triệu đồng. Hiện, anh đã xây dựng cho mình ngôi nhà khang trang và nuôi hai người con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.
Được biết, xã hiện có trên 80 ha diện tích trồng bưởi da xanh trong đó có gần 60 hộ tham gia vào câu lạc bộ bưởi da xanh của xã. Do ý thức người dân ngày càng cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nhiều người đang áp dụng có hiệu quả, cuộc sống ổn định hơn trước trong đó anh Tài là một điển hình.
Mỹ Khánh
|