Tại ấp 3, xã Phú Nhuận, TP Bến Tre hiện có khoảng 20 hộ trồng bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP với tổng diện tích trồng khoảng 10 ha, trong đó có ông Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1945. Chỉ với 2 nhánh bưởi ban đầu mà giờ đây ông có được vườn bưởi khoảng 300 gốc trên diện tích 7.000 mét vuông đất.
Vào những năm 1990, cây bưởi chưa thực sự trở thành cây trồng chủ lực của nhiều người dân, mà chỉ trồng để ăn, hiệu quả kinh tế không cao như những năm gần đây. Cũng vào thời điểm đó, ông Quyền mua 2 nhánh bưởi của ông Hai Đắc ở Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) về trồng, cây phát triển tốt và cho trái ăn rất ngon. Thế là ông tự bầu nhánh trồng dần trong vườn của mình. Hiện, gia đình ông có tổng diện tích là 1 ha đất vườn, trong đó bưởi da xanh chiếm 7.000 mét vuông còn lại trồng dừa và chuối.
Đến nhà ông từ rất sớm, chúng tôi đã thấy ông cặm cụi chăm sóc các cây trong vườn rất tỉ mĩ. Với kinh nghiệm 20 năm trồng bưởi, ông Quyền cho biết: “Ông tự chiết cành từ vườn bưởi gia đình, vì theo ông mua giống bưởi nên chọn có nguồn gốc rõ ràng, nếu sử dụng giống bưởi ghép với gốc volka như thế cây phát triển không tốt, chất lượng trái không ngon”.
Để có được kinh nghiệm, ông thường xuyên học hỏi từ các nhà vườn, nhà khoa học, tham dự các lớp tập huấn, hội thảo về cây trồng, vật nuôi trong và ngoài tỉnh tổ chức. Gần đây, ông được Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh hướng dẫn thực hành cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông say xưa nói về kỹ thuật trồng bưởi của mình với chúng tôi, bưởi trồng tốt nhất với khoảng cách 6 x 6m, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ như: phân bò, cúc, mụn dừa,… Vào mùa nắng, ngâm phân vi sinh để tưới, như thế cây sinh trưởng tốt, dễ hấp thu chất dinh dưỡng và tuổi thọ trung bình của cây cũng bền hơn sử dụng phân hóa học.
Cũng theo ông Quyền, lúc cây còn nhỏ chưa cho trái chỉ nên sử dụng phân vi sinh kết hợp phân hữu cơ. Khi cây bắt đầu cho trái kết hợp với phân Kali để bón cho cây để giúp trái ngọt hơn. Về cách bón phân, 3 tháng 1 lần, mỗi lần khoảng 450 kg phân bò/300 gốc bưởi. Ngoài ra, còn kết hợp 100-200 gram phân NPK 15-15-20+100 gram phân Kali/1 gốc. Cách bón phân là xới đất và bón xung quanh gốc… Tùy vào từng độ tuổi của cây mà ông có cách bón phân cho thích hợp. Bên cạnh việc bón phân, phun thuốc, hàng năm ông còn bồi bùn cho cây vì thế vườn bưởi ông rất sai quả, nặng trĩu và luôn xanh tốt.
Trong việc phòng ngừa các loại nấm gây hại, ông Quyền còn bón vôi vào gốc cây 1 lần/năm. Theo các nhà vườn khác, thường trồng cỏ để giữ ẩm gốc cây nhưng đối với ông Quyền thì lại có cách riêng của mình. Ông thường nói vui với mọi người “Tôi chỉ trồng những cây đem lại thu nhập cho gia đình”. Từ cách nghĩ đó, ông tận dụng khoảng trống trong vườn, thay vì trồng cỏ giữ ẩm như bao người dân khác, ông lại trồng lá cẩm, rau ngót, bạc hà,… để bán. Ông Quyền cho biết, lá cẩm vừa giữ ẩm, vừa chống xói mòn lại mang lại thu nhập cho gia đình, hàng năm thu hoạch khoảng 200 kg lá với giá 10.000/1 kg nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.
Ông Quyền chia sẻ với chúng tôi, trồng bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP thật ra không khó, lại an toàn, chất lượng trái ngon, giá bán cao hơn. Bước đầu thực hiện là phân lô để thuận tiện theo dõi, trồng 40 cây/1.000 mét vuông đất, có nhà vệ sinh tự hoại, có sổ ghi chép rõ ràng loại phân, liều lượng phân bón,… Trước đây gia đình trồng nhãn, hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang trồng bưởi. Hiện nay, trái thu hoạch chủ yếu bán cho Hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An. Năm 2010 vừa qua, gia đình ông thu nhập từ bưởi trừ đi các khoảng chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Riêng bưởi da xanh trong dịp Tết, ông ước tính khoảng 20-30 triệu đồng. Kết quả đạt được chỉ với 2/3 diện tích bưởi đã cho trái, còn lại 1/3 chuẩn bị cho trái. Khi diện tích bưởi gia đình ông cho trái đồng loạt, thu nhập gia đình ông cao hơn nhiều so với hiện tại. Trong thời gian tới, vườn bưởi của ông được công nhận đạt tiêu chí VietGAP. Tôi rất mừng vì được sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân-ông Quyền vui vẻ nói.
Nhờ tính cần cù, chịu khó làm ăn, năm 2007 ông được Hội Nông dân xã công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
H. Nhung
|