Chuyển đổi cây trồng theo hướng chất lượng an toàn trên vườn bưởi da xanh là giải pháp được vợ chồng anh Nguyễn Hữu Giang và chị Nguyễn Thị Huệ, ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách lựa chọn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng năm ước trên 120 triệu đồng.
Cách nay hơn 6 năm trên diện tích 7 ngàn mét vuông đất vườn, Chị Huệ mua khoảng 200 nhánh bưởi da xanh của ông Lê Văn Hoa ấp Tân Phú, xã Sơn Định mang về trồng xen trong vườn nhãn và măng cụt.
Do bận việc kinh doanh bán tập hóa, chị không chú trọng đến kinh tế vườn, nên vườn cây ăn trái của chị kém phát triển, năng suất không cao.
Tình cờ đọc báo, nghe đài chị phát hiện bưởi da xanh là loại cây chủ lực, cho năng suất cao, giá thành ổn định và có thể giúp nông dân thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu từ vườn bưởi da xanh.
Tận dụng vườn bưởi sẵn có, chị quyết tâm cải tạo lại chúng và vươn lên làm giàu. Chị Huệ tâm sự: “Để có thể khôi phục lại vườn bưởi vốn đã suy, lựa chọn trước tiên của chúng tôi là không tiếp tục kinh doanh tạp hóa nhằm có nhiều thời gian đầu tư chăm sóc vườn bưởi. Đây là giai đoạn rất khó vì chúng tôi chưa am hiểu về kỹ thuật chăm sóc bưởi. Học hỏi nhiều người, tìm sách báo để đọc ứng dụng vào vườn bưởi, dần dần cây bưởi phát triển trở lại và cho năng suất, chất lượng cao. Thay vì 2 năm trước, khi bán trái đa số là trái bưởi nhỏ, trái bưởi lớn chiếm khoảng 30%, nhưng hiện nay tỷ lệ trái bưởi lớn chiếm hơn 70% và được thương lái đánh giá cao về chất lượng sản phẩm”.
Khi vườn bưởi da xanh bắt đầu xanh tốt, thích nghi với vùng đất này, cũng là lúc diện tích đất trồng xen dầy đặt hơn. Lựa chọn sau cùng, vợ chồng anh chị quyết tâm đốn phá tất cả cây nhãn và cây măng cụt đã trồng xen, chuyển sang trồng chuyên canh cây bưởi da xanh. Hiện tại, trên diện tích 7 ngàn mét vuông, anh chị trồng hơn 350 gốc bưởi, trong đó có hơn 150 gốc có 2-3 năm tuổi và 200 gốc loại 6 năm tuổi cho trái ổn định. Bình quân mỗi tháng cắt hai lần, ước tính mỗi năm đạt trên 9 tấn trái, sau khi trừ chi chí còn lãi hơn 120 triệu đồng.
Kinh nghiệm đối với cây bưởi da xanh, chị Huệ không áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra trái theo thời vụ mà xử lý cho cây ra trái quanh năm, nguyên nhân chị không xử lý cho cây ra trái theo thời vụ là làm cho cây bưởi dễ bị suy, xử lý rất khó…
Biện pháp xử lý cho cây bưởi da xanh ra trái quanh năm theo kinh nghiệm của mình Chị Huệ cho biết: “Trước khi làm trái, chúng tôi thường bón phân cho cây tươi tốt bằng cách vào đầu mùa nắng sử dụng phân hữu cơ trọng lượng khoảng 600 kg đã được ủ sẵn trong thời gian 3 tháng có trộn với nấm Trichoderma và 200 kg lân. Khi cây đâm tượt, ra hoa tôi rãi phân NPK 20-20-15 với trọng lượng khoảng 100 kg giúp cho cây phát triển tốt. Khi phát hiện cây ra trái non độ chừng bằng ngón tay út, cách 2 tháng tôi rãi 50 kg NPK 15-15-15 một lần cho đến khi thu hoạch”.
Đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm chăm sóc cây bưởi da xanh, chị Huệ nhận ra rằng cây bưởi bản thân nó vốn rất chịu nước đồng thời cũng sợ nước. Vào mùa nắng phải tưới đủ nước cho cây, khi cây ra trái phải che nắng buổi chiều cho trái không bị nám. Vào mùa mưa phải quan sát theo dõi vườn thường xuyên, không để ngập úng cây dễ bị bệnh vàng lá thối rễ, bệnh nấm… mùa mưa cây bưởi không nên để trái nhiều, bộ rễ không hấp thu chất dinh dưỡng nuôi trái, cây dễ bị suy và điều quan trọng trong mùa mưa không nên sịt phân bón lá, cây dễ sinh ra bệnh đốm rong, tảo,… những bệnh này rất khó trị.
Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc để phòng bệnh cho cây bưởi, theo kinh nghiệm của mình chị Huệ cho biết “Vào đầu mùa mưa tôi thường dùng vôi bột trộn với thuốc sịt ngừa nấm rãi cho cây bưởi và quét vôi dưới gốc bưởi để diệt nấm và giảm bệnh nứt thân xì mủ…”.
Kiến thức học được từ các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo, tham quan mô hình trồng bưởi da xanh hiệu quả cùng kinh nghiệm thực tiễn của gia đình đã giúp cho anh Giang-chị Huệ thành công với mô hình trồng chuyên canh cây bưởi da xanh, cho thu nhập ổn định vươn lên làm giàu.
Phúc Vy
|