Những năm qua, có rất nhiều nông dân trong tỉnh Bến Tre đầu tư trồng bưởi da xanh và đạt được thu nhập cao với loại cây trồng này. Tuy nhiên, bưởi da xanh trồng sau một thời gian thu hoạch trái, cây bị nhiễm bệnh, cỗi, không còn hiệu quả kinh tế, nông dân phải đầu tư trồng lại. Mô hình trồng bưởi da xanh có thời gian thu hoạch trái hơn 10 năm nay và đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Thiện Chiến, ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho thấy nếu nông dân trồng bưởi da xanh có sự đầu tư, chăm sóc phù hợp thì tuổi thọ cây bưởi sẽ kéo dài.
Ông Chiến thu nhập cao từ 80 cây bưởi da xanh.
Năm 1999, ông Chiến trồng 1 ha bưởi da xanh. Sau khi chia tài sản cho người thân ông còn 2 công bưởi da xanh. Hiện nay, trong khi bưởi da xanh của người thân nhiều cây bị nhiễm bệnh, suy kiệt, không còn hiệu quả kinh tế phải trồng lại hoặc thay thế cây trồng khác thì vườn bưởi da xanh của ông Chiến vẫn phát triển rất tốt, cho năng suất cao và thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Để có được vườn bưởi 13 năm tuổi, cây đang phát triển khỏe mạnh như hiện nay là do ông Chiến có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho cây. Ông chiến cho biết: “Sự phát triển của bộ rễ cây bưởi là rất quan trọng cho nên phải chăm sóc bộ rễ thật tốt để nuôi cây tốt. Vì vậy, mỗi tháng tôi bón phân cho cây bưởi một lần sau khi thu hoạch trái. Một cây bưởi tôi bón khoảng 1/2 kg phân NPK các loại như: 16-16-8, 14-0-9, 20-20-15, phân bón được thay đổi phân liên tục để cây dễ hấp thu. Bón phân hóa học cho cây cũng phải dựa vào thời tiết. Bón phân phù hợp nhất là ở thời điểm khi đọt bưởi già, không nên bón vào lúc cây đang ra đọt non, vì lúc này cây đang ra rễ cám, bón phân sẽ gây ảnh hưởng đến bộ rễ non; hoặc thời điểm mưa dầm, bão cũng không nên bón phân hóa học vì lúc này rễ bưởi không phát triển, bón phân sẽ hư rễ làm cây bị suy kiệt. Ngoài phân hóa học, mỗi năm tôi còn bón 4 lần phân hữu cơ vi sinh để giúp đất tơi xốp, cây phát triển bền”.
Ở thời điểm giữa và cuối mùa mưa, cây bưởi da xanh thường bị nấm rong, gây nứt da làm cây mau xuống. Khắc phục hiện tượng này ông Chiến dùng nước rửa sạch những nơi bị nấm. Ông hạn chế thấp nhất việc phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh trên cây, chủ yếu là ông nuôi kiến vàng để phòng trừ các loại dịch hại. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tỉa cành, tạo tán để cây bưởi thông thoáng. Mỗi cuốn bưởi ông chỉ để 1 trái và tỉa bỏ bớt trái để số lượng trái phù hợp với tán cây. Cây bưởi da xanh cần nước để phát triển liên tục, vì vậy vào mùa nắng cách 2 ngày ông tưới cho cây một lần. Ông Chiến nói: “Để cây bưởi da xanh được phát triển tốt, đem về hiệu quả kinh tế cao người nông dân phải mặn mòi thật sự với cây trồng này. Có rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây bưởi da xanh, nếu không quan tâm chăm sóc cây thường xuyên, chắc chắn cây bưởi sẽ giảm năng suất, nhanh suy kiệt, hiệu quả kinh tế giảm”.
Chăm sóc vườn bưởi một cách bài bản, khoa học, với 2.000 m2 bưởi da xanh số lượng 80 cây, mỗi năm đem về cho ông Chiến thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Trừ chi phí, ông còn thu lãi khoảng 95 triệu đồng.
Cao Dương
Đài Phát thanh-Truyền hình Bến Tre
|