Khoảng tháng 6/2011, vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Sường và nhiều nông dân ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách bị sâu đục trái tấn công gây thất thu nặng về năng suất.
Treo long não, vườn bưởi của ông Sường không còn bị sâu đục trái.
Theo quan sát của ông Sường, sâu bắt đầu gây hại khi trái bưởi bằng nắm tay đến lúc thu hoạch. Sâu đục vào vỏ trái rồi ăn dần vào trong. Vết đục của sâu mở đường cho nấm bệnh xâm nhập làm cho trái thối và rụng. Đối với bưởi ở tháng thứ 6 trở đi, dòi theo vết đục trái của sâu vào trong ruột trái bưởi làm cho trái bị hư thối và rụng nhanh hơn. Sâu non có màu cam hồng, sau có màu nâu hồng đến đỏ nâu với đầu màu nâu sậm, dài hơn 20 cm. Sâu nhỏ bằng cọng chân nhang, lớn bằng đầu đũa.
Ông Sường cũng như nhiều nông dân đã được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt sâu nhưng sâu vẫn không giảm nhiều. Nếu ngưng thuốc là sâu tấn công, còn phun nhiều vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến việc sản phẩm bưởi da xanh theo quy trình VietGAP trong khu vực và môi trường xung quanh.
Sâu đục trái hại bưởi.
Trước thực tế này, ông Sường suy nghĩ và áp dụng cách đuổi côn trùng. Từ tháng 8/2011 ông mua 20 túi long não bỏ vào túi ni-lông treo trên thân cây bưởi. Thấy có kết quả, ông tiếp tục mua về treo trên 90 cây bưởi da xanh đang có trái trong vườn; mỗi cây ông treo 1 túi long não, trị giá 2.000 đồng/túi. Kết hợp với công việc này ông hái bưởi bị sâu đục trái chẽ ra diệt sâu. Ông Sường cho biết: “Từ đầu năm 2012 đến nay, vườn bưởi của tôi không còn bị sâu đục trái tấn công. Tôi rất mừng vì không ngờ cách làm của mình lại mang kết quả như vậy. Hồi trước, ở thời điểm bị sâu đục trái tấn công, ngủ 1 đêm sáng ra vườn bưởi bị sâu đục rất nhiều, còn giờ kiếm một trái sâu đục trái không còn”.
Được biết, thời gian gần đây sâu đục trái đã xuất hiện và gây hại nặng trên nhiều vườn cây có múi, chủ yếu là cây bưởi tại các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, đặc biệt là Hậu Giang. Riêng huyện Châu Thành (Hậu Giang) trong tổng số trên 1.650 ha bưởi thì có 400 ha bị sâu đục trái thiệt hại từ 40-60%. Sâu được ghi nhận trên cam, quýt nhưng nặng nhất trên bưởi, cả hai giống trồng phổ biến hiện nay là bưởi năm roi, da xanh đều bị sâu gây hại.
Áp dụng phòng trừ sâu đục trái thành công trên mãnh vườn của mình, ông Sường đã hướng dẫn nhiều hộ dân xung quanh treo long não trên cây bưởi da xanh và đạt kết quả tốt. Theo ghi nhận của chúng tôi, đối với những vườn bưởi chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn bị thiệt hại do sâu đục trái. Bến Tre hiện có trên 4.000 ha diện tích bưởi da xanh, đây là cây trồng đem về giá trị kinh tế cao cho nông dân. Thiết nghĩ, cách bảo vệ vườn bưởi da xanh trước nạn sâu đục trái của ông Sường cần sớm được ngành chuyên môn thẩm định. Nếu đây là cách phòng trừ hiệu quả thì cần khuyến cáo cho nhà vườn trồng bưởi bị ảnh hưởng sâu đục trái áp dụng một cách phù hợp để hạn chế sâu đục trái lây lan trên diện rộng và giảm thiệt hại cho người trồng bưởi.
Cao Dương
Đài Phát thanh-Truyền hình Bến Tre
|