Bưởi da xanh (BDX) có giá trị cao về dinh dưỡng và y học. Trong 100g bưởi ăn được chứa: năng lượng 59 calo và có nhiều chất khoáng như: Ca: 30 mg; P: 21 mg; Fe: 0,7 mg ngoài ra còn có nhiều loại Vitamin như Vitamin C, A, B1, B2. Ăn bưởi góp phần hỗ trợ sức khoẻ con người như giúp dễ tiêu hóa và lưu thông máu… So với các loại bưởi khác, trên 10 năm qua BDX luôn có giá với mức từ 10.000 đồng/kg trở lên.
Đặc sản BDX của tỉnh Bến Tre từ lâu đã được thị trường tiêu thụ trong nước và cả ngoài nước rất ưa chuộng vì phẩm chất ngon đặc trưng. BDX có nguồn gốc đầu tiên ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Nhiều người ghi nhận rằng trái BDX trồng ở xã Mỹ Thạnh An có phẩm chất ngon hơn so với BDX trồng ở những nơi khác.
- Kỹ thuật trồng bưởi da xanh như sau:
+ Giống: chỉ nên chọn một loại giống duy nhất là bưởi da xanh, không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo.
Nên trồng cây bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng sinh phèn; mau ra trái, bảo đảm chất lượng giống hệt cây mẹ. Cây bưởi chiết có tuổi thọ khá cao.
- Đất: cải tạo địa hình tương đối bằng phẳng, hơi cao ở giữa để thoát nước nhanh. Cần phân tích chất đất để có chế độ bón phân phù hợp, cân đối. Nơi nào đất trũng, thấp, thường bị ngập úng vào mùa mưa thì đắp mô cao lên 20-30 cm so với mực nước mưa và triều cường.
Nơi nào đất cao thì đào hố. Hố trồng đào tròn hoặc vuông 1,2m x 1,2m, sâu 30 cm. Đào sâu quá gặp tầng sinh phèn, cây bưởi khó sống. Mỗi hố trồng rải 5-6 kg vôi bột, 2 bao phân chuồng đã hoai trộn thêm tro trấu, xơ dừa, rơm rạ mục và phủ lên một lớp đất mỏng trước khi trồng.
+ Khâu trồng và chăm sóc:
- Số lượng: Mỗi ha trồng khoảng 500-600 cây. Cây cách cây 4m; hàng cách hàng 4m. Đặt cây bưởi giống vào giữa hố, lấp đất phủ kín gốc, hơi lõm ở giữa để sau này bón thêm phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, phủ quanh gốc các loại phân xanh, rơm rạ cho mát gốc.
- Thời điểm trồng: Tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Qua mùa mưa cây bưởi phát triển khá tốt nhờ nguồn nước trời. Lặt bỏ tất cả trái non trong năm đầu, năm thứ hai có thể chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba giữ trái vừa phải; số trái giữ lại, tăng dần vào những năm sau.
- Tưới nước: Thời gian đầu tưới nước mỗi ngày 1 lần để cây bưởi không mất sức; qua mùa mưa cây bưởi đã lên xanh; mùa khô tiếp theo 3 ngày tưới một lần. Chú ý sử dụng nguồn nước tốt không bị ô nhiễm.
- Bón phân: Trên cơ sở phân tích chất đất mà có chế độ bón phân thích hợp. Sử dụng phân hữu cơ kết hợp vô cơ, bón gốc kết hợp bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây bưởi.
Phân hữu cơ thông dụng là phân bò, phân heo, các loại phân xanh; ngoài ra có thể bổ sung phân cá, phân trùn, phân dơi với liều lượng ít hơn. Mỗi năm bón ít nhất 2 lần vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch.
Phân vô cơ thường sử dụng là DAP rải xa gốc hoặc NPK phun lên lá.Đạm (N) giúp cây bưởi phát triển nhanh, đâm chồi, thiếu đạm cây bưởi còi cọc, ốm yếu, đạm phù hợp cây bưởi trong giai đoạn tăng trưởng.
Lân (P) kích thích nẩy chồi, đẻ nhánh, thúc đẩy bưởi ra hoa, đậu trái; lân còn giúp cây bưởi chống bị nhiễm bệnh. Kali (K) giúp cây bưởi cứng cáp, trái không bị rụng non
+ Sau khi thu hoạch, để giữ được bưởi tươi lâu, xin lưu ý những kỹ thuật sau:
- Trước hết, chọn những quả bưởi có hình dáng đẹp, không sâu, bệnh, đủ độ chín sinh lý. Dùng dao hay kéo sắc cắt cuống quả dài 0,5cm, lấy vôi tôi chấm vào vết cắt có tác dụng khử trùng, chống thối.
- Cho một lớp cát khô, nhỏ dày 10-15cm, xếp 1 lớp quả bưởi lên trên, cứ một lớp cát dày 5-7cm lại xếp một lớp bưởi cho đến khi đầy thùng, lớp cát trên cùng dày 20cm. Nếu bảo quản lượng quả bưởi nhiều nên kè gạch ở một góc nhà hay gian nhà nơi khô ráo, sau đó cho 1 lớp cát lại xếp 1 lớp quả bưởi, các bước làm như giới thiệu ở phần trên. Cách này quả bưởi có thể giữ tươi lâu được 1,5-2 tháng sau thu hoạch.
Theo nongdan.vn
|