Bước vào thời điểm thu hoạch vụ thuận, nhiều loại trái cây rơi vào tình trạng đụng hàng, rớt giá. Nhưng với bưởi da xanh vẫn giữ được vị thế của mình trên thị trường. Chính sự ổn định về giá cả của trái đã làm cho sản phẩm cây giống cũng lên ngôi. Nhiều gia đình ngoài mục đích trồng bưởi bán trái họ còn tận dụng chiết nhánh nhằm tăng thu nhập. Gia đình ông Cổ Thượng Lộc ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa áp dụng mô hình này đã mang lại hiệu quả khá lớn.
Hiện, gia đình ông có 8.700 m2 diện tích trồng cây ăn trái, trong đó bưởi da xanh chiếm 8.000 m2, với khoảng 900 cây. Ông dùng khoảng 400 cây để chiết nhánh. Mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường từ 10.000-20.000 nhánh. Giá bán dao động từ 8.000-12.000 đồng/nhánh cũng cho gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Lộc cho biết “Thời điểm thích hợp để chiết nhánh bưởi vào khoảng tháng 2 âm lịch. Trước khi chiết nhánh khoảng 15 ngày, tôi dùng phân DAP, với trọng lượng 700gr/cây để bón cho cây, sau đó dùng dao bén khoanh vỏ đoạn cần chiết nhánh, kích thước 1cm. Dùng dây nylon quấn chặt đoạn vừa khoanh, tiếp theo bóp bầu (nguyên liệu bóp bầu được sơ chế sẵn gồm: xơ dừa + trấu + phân vi sinh); tỷ lệ 500 bầu trộn 1 kg lân + 1 kg vi sinh. Sau đó quấn chặt bầu lại không cho nước thấm vào. Khoảng 1 tháng sau, dùng phân DAP để bón tiếp cho cây, trọng lượng tăng lên khoảng 1kg/cây. Trong giai đoạn này, kết hợp phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây bưởi xanh. Khi nhánh chiết ra rễ mạnh cắt xuống vô bầu (thời gian từ khi khoanh vỏ đến khi ra rễ mạnh từ 2-2,5 tháng). Nguyên liệu để vô bầu được sơ chế sẵn (500 bầu = 10 kg lân + 10 kg phân vi sinh), sau đó dùng dây quấn chặt bầu lại giữ cho nhánh bưởi đứng thẳng, không ngã nghiêng, mang vô mùng kín. Trong thời gian vô mùng, 3 ngày đầu, mỗi ngày phun nước cho ướt lá 1 lần, sang ngày thứ 5 đến ngày thứ 10, mỗi ngày phun sương 2 lần. Đến 10 ngày sau mang cây ra khỏi mùng và lúc này có thể bán cho khách hàng”.
Kinh nghiệm này đã giúp ông Lộc tăng dần số lượng nhánh bưởi cung cấp ra thị trường. Nếu như trước đây, mỗi năm ông làm khoảng 1.000 nhánh bán cho bà con ở địa phương thì hiện nay tăng lên gấp đôi. Khi thị trường bưởi trái ổn định, số lượng bưởi giống được tiêu thụ nhiều và sản phẩm cây giống bưởi da xanh của ông Lộc đã có mặt ở khắp nơi. Hiện nay, số lượng cây giống của gia đình đã tiêu thụ hơn 70%.
Ngoài sản xuất cây giống bưởi da xanh, ông Lộc còn lại khoảng 500 cây bưởi có tuổi thọ từ 8-15 năm tuổi để nuôi trái. Mỗi năm, vườn bưởi thu hoạch từ 12-14 tấn trái, trong đó tỷ lệ bưởi lớn chiếm trên 70%. Giá bán dao động từ 16.000-24.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 150 triệu đồng.
Ông Lộc nói: “Để cây bưởi da xanh cho trái tốt, đạt chất lượng cao, sau khi thu hoạch trái xong tôi thực hiện tỉa cành, loại trừ những nhánh vô hiệu, dùng phân NPK 20-20-15, trọng lượng 1,2-1,5 kg/cây để bón, giúp cây phục hồi sau thời gian cho trái, đặc biệt cung cấp đầy đủ lượng nước cho cây. Khi cơi lá mướt, đợi đến khi lá chuyển sang màu xanh đậm thì bón thêm phân lân + kali, tỷ lệ 3:1; tưới nước liên tục trong 15 ngày cây sẽ ra hoa. Trong thời gian cây ra hoa tạo trái, tỉa bỏ những trái nằm ở đọt ngọn, ước lượng số trái trên cây không nên để quá nhiều. Đến 1,5 tháng sau tiếp tục bón phân NPK 20-20-15, trọng lượng 400gr/cây, cứ cách nhau 1,5 tháng là bón 1 lần cho đến khi thu hoạch. Ngoài ra, để cây xanh tốt, phẩm chất trái đẹp, chất lượng, tôi còn bón phân chuồng 2 lần/năm, trọng lượng 10 kg/cây, bón vào thời điểm đầu và cuối mùa mưa.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, ông còn tham dự các lớp tập huấn, hội thảo do tỉnh, huyện tổ chức và là tổ trưởng tổ liên kết bưởi da xanh ấp Định Bình. Với ông Lộc, sản phẩm từ bưởi da xanh không chỉ riêng về trái mà nhánh cũng là nguồn thu đáng kể cho gia đình. Vừa qua, ông cùng với bà con trong tổ ký họp đồng bao tiêu sản phẩm với vựa trái cây Hương Miền Tây, ấp Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc.
Trúc Ly
|