3 quy trình công nghệ sản xuất thức uống từ quả bưởi gồm nước bưởi trong, nước bưởi đục và nước bưởi có tép, được TS Nguyễn Văn Chung, Trung tâm nghiên cứu thực phẩm và chuyển giao công nghệ về thực phẩm TP.HCM giới thiệu.
Các sản phẩm nước bưởi theo 3 quy trình công nghệ mới.
Cụ thể, quy trình sản xuất nước bưởi đục theo các bước: Bưởi tươi sau khi được bóc vỏ, tách múi sẽ được ép dịch, xử lý đắng, lọc, phối trộn (bằng hỗn hợp đường gluco, hương Citrus, pectin, gumxanthan và màu vàng Tartazin). Tiếp đó, dung dịch trên sẽ được đồng hóa (đánh khuấy 10.000 vòng/phút, thời gian 10 phút ở 50-55 độ C), thanh trùng, làm nguội và đóng lon.
Cũng như quy trình sản xuất nước bưởi đục, để sản xuất nước bưởi trong, đầu tiên bưởi tươi sẽ được bóc vỏ múi, bỏ hạt, xay nhỏ. Sau khi ủ enzim, ép lấy nước, làm trong, khử đắng bằng những phương pháp chuyên biệt, dung dịch sẽ được bổ sung nước (glucose 60g/l nước bưởi), lọc lần cuối và đóng chai.
Quy trình sản xuất nước bưởi có tép theo tuần tự: Tép bưởi sau khi tách khỏi múi được trộn với đường glucose theo tỷ lệ khối lượng là 2:1 (glucose: tép bưởi), ủ trong 12 tiếng. Sau đó, khối tép bưởi được hấp cách thủy nhằm diệt men trong dịch quả, mặt khác làm glucose thẩm thấu sâu vào bên trong cấu trúc tép bưởi tạo sự hài hòa về vị khi uống sau này.
Thời gian hấp 20 phút, số tép bưởi đã xử lý được cho vào chai, đóng nắp và đem thanh trùng ở 90 độ C trong 15 phút. Thành phẩm là nước bưởi có màu vàng nhạt với tỷ lệ 3% tép bưởi trong nước quả.
TS Chung cho hay, khác với các quy trình công nghệ chế biến nước bưởi đóng chai hiện nay, cả 3 quy trình này đều không sử dụng đường Saccaroza trong thành phẩm, do vậy, không làm giảm giá trị dinh dưỡng của quả bưởi tươi.
Theo baomoi.com
|