Mỗi người đều có cách làm giàu riêng, nhưng điều quan trọng là phải biết chọn cho mình hướng đi thích hợp. Cũng có người giàu lên nhờ kinh doanh, người thì chăn nuôi, trồng trọt,… Riêng ông Nguyễn Minh Trang, ấp 2, xã Sơn Đông làm giàu bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cụ thể là mô hình trồng xen dừa, ca cao và bưởi da xanh. Nói về kỹ thuật trồng, ông Trang cho biết, trước khi trồng phải lên liếp, đắp mô rộng 6-8 tấc. Qua tìm hiểu ông Trang nhận thấy, thổ nhưỡng ở đây thích hợp với giống ghép hơn vì vậy ông chọn giống ghép để trồng xen trong vườn dừa có diện tích gần 1,5 ha (20 cây bưởi/1 công). Trước khi trồng trộn mụn dừa, phân hữu cơ để dưới hố được đào sẵn, sau đó đặt bưởi xuống. Giống lấy từ dự án phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh (2007, 2008).
Về phân bón, ông Trang chủ yếu sử dụng phân đạm, lân, kali. Đặc biệt trong giai đoạn cây cho trái chiến nên bổ sung phân hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên cắt cành, tạo tán theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Trên diện tích đất của mình, ông chọn cách trồng xen, vì theo ông phải kết hợp lấy ngắn nuôi dài. Nếu trồng chuyên dễ bị rũi ro. Với kinh nghiệm trồng bưởi của mình, ông cho biết, bệnh thường gặp trên bưởi là thối rễ, vì vậy phải có hệ thống cấp, thoát nước tốt. Ngoài ra, phải nuôi kiến vàng để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với ca cao, cũng được ông trồng xen trong vườn dừa với diện tích 1,5 ha. Mục đích việc trồng xen do ông tận dụng dừa làm bóng che mát vừa có nguồn thu nhập. Thời vụ trồng, tốt nhất vào mùa mưa. Đào hố trước khi trồng có kích thước 40 x 40 x 40cm, sau đó bón lót dưới đáy hố gồm: phân lân + NPK + phân chuồng hoai (hoặc phân hữu cơ vi sinh). Về giống, nên chọn cây con khỏe mạnh, từ 4-6 tháng tuổi, có lá phát triển đều,… Khi trồng phải chú ý, cắm cọc buột giữ cây để không bị gió lay, nên trồng lúc sáng sớm hay chiều mát.
Tùy vào thời điểm và thổ nhưỡng đất đai mà có liều lượng và loại phân sử dụng thích hợp. Thông thường từ năm thứ 1 đến thứ 2 thì bón khoảng 200-400gr NPK 16-16-8/cây/năm; sang năm thứ 3, tăng lượng phân lên 500-600 gr NPK/cây/năm. Trong năm, thường bón từ 3-4 lần. Cách bón là xới đất quanh gốc, sau đó rải phân vào, đến khi cây cho trái tăng dần lượng phân. Thời gian thu hoạch trái tính từ lúc thụ phấn đến thu hoạch khoảng 5-6 tháng tùy vào từng loại giống. Các loại sâu thường gặp trên ca cao là bọ cánh cứng hại lá, rệp sáp,… Điều quan trọng nên thu hoạch lúc trái có màu vàng hoặc đỏ cam tùy theo giống.
Ô. Trang là Chủ nhiệm câu lạc bộ bưởi da xanh của gần 50 hộ tham gia, 3 tháng họp 1 lần để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi. Cũng với câu lạc bộ này đã giúp cho nhiều người dân trồng bưởi của xã đạt kết quả tốt.
Trung bình hàng tháng, gia đình ông thu nhập gần 10 triệu đồng. Do 1,5 ha dừa trồng xen ca cao chưa cho trái, bưởi và ca cao cũng mới bắt đầu cho trái chiến nên sản lượng chưa cao. Trong vài năm tới đây, khi cây trồng cho trái ổn định và được chăm sóc tốt như hiện nay, gia đình ông sẽ thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Định hướng thời gian tới, ông Trang cho biết sẽ dần tiến đến sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì theo ông, có như vậy sản phẩm mới đạt chất lượng, giá cao hơn. Vào những lúc giá bưởi xuống thấp cũng không phải sợ bị ế hàng.
Lê Khánh
|