Ông Phạm Văn Tư, ấp 2, xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm là một trong những hộ nông dân thành công với mô hình trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa. Gần 4 năm chăm sóc, vườn bưởi xanh tốt, bắt đầu cho trái cùng với dừa hàng tháng ông thu nhập trên 6 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Tư chăm sóc những trái bưởi đầu mùa.
Gia đình ông cũng nhiều đêm trăn trở, bàn tính chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như thế nào để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tham quan học hỏi nhiều nơi và đặc biệt là dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh theo hướng an toàn và chất lượng (theo GAP) trên địa bàn huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre do Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đầu tư như đã mở ra một hướng đi mới. Từ đó, ông Tư quyết định đăng ký với Hội Nông dân xã tham gia dự án và nhận 260 gốc bưởi da xanh giống về trồng xen trong vườn dừa hơn 1 năm tuổi.
Ông Tư trồng bưởi từ năm 2007, đến nay cây bắt đầu cho trái và vườn bưởi của ông đã có thu nhập. Theo ông Tư, bưởi da xanh trồng không khó, tuy nhiên lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, một số cây trồng vùng đất trũng thấp nên bị chết. Hiện nay, vườn bưởi nhà ông còn khoảng 200 gốc đang phát triển xanh tốt xen trong vườn dừa diện tích khoảng 6.000 mét vuông đang cho trái trĩu quả.
Nói về kỹ thuật trồng bưởi da xanh, ông Tư cho biết ông tuân thủ theo tài liệu hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, kiến thức học được qua các lớp tập huấn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện và kinh nghiệm tích lũy từng ngày trong quá trình chăm sóc cây bưởi.
Trước khi trồng bưởi, ông tiến hành đắp mô cao 4 tấc, đường kính 8 tấc để đất khô ráo, bón lót 5kg phân chuồng, 1/2 kg phân lân và 300gr NPK trộn đều với đất xốp rồi đặt cây giống xuống. Theo ông, sau khi trồng cần cắm cọc giữ cây vững chắc, tránh đong đưa khi mưa gió sẽ làm ảnh hưởng rễ cây mới bén. Mùa nắng thì 2 ngày tưới 1 lần, mùa mưa nếu nắng lại 1 tuần là phải tưới nước cho cây, đến khi cây khoảng 1 tháng tuổi thì mỗi gốc pha 2 muỗng canh phân u-rê tưới, với cách làm này kích thích rễ cây phát triển tốt.
Ngoài ra, để phòng trừ sâu vẽ bùa hại lá, theo ông Tư mỗi cơi tượt non cần phun thuốc phòng ngừa và cứ 3 tháng xới gốc, rải thuốc sát trùng (NOKAPH) để phòng rệp sáp bám rễ với lều lượng tùy theo tán lá của cây. Ông Tư còn cho biết thêm, phải rải thuốc 3 tháng 1 lần vì Nokap là loại thuốc lưu dẫn, sau 3 tháng sẽ hết tác dụng, nếu không rệp sáp sẽ bám rễ, hút nhựa gây hại cây, vàng lá.
Sau mỗi lần xới gốc, ông tiến hành bổ sung chất cho cây bằng phân lân, vi sinh và vôi bột. Đặc biệt, hàng năm ông còn bón phân chuồng quanh gốc sau đó bồi lớp bùn mỏng trên mặt để tăng hữu cơ trong đất, cây hấp thụ dần. Đồng thời, phải thường xuyên chăm sóc cắt tỉa cành, tạo tán để cây phát triển tốt.
Về kỹ thuật cho trái, ông Tư cho biết cây bưởi cũng dễ xử lý, chỉ cần lãi lá những nhánh già, bón hỗn hợp đạm với phân lân liều lượng tùy theo độ tuổi của cây (bưởi nhà ông 4 năm tuổi, bón khoảng 600gr mỗi gốc), đồng thời siết nước cây sẽ ra hoa. Khi trổ đều, cần phun thuốc ngừa sâu hại bông (loại Hopsan, dùng mùi hôi đuổi sâu, bướm), và đến khi đậu trái cần phun thuốc dưỡng trái để tránh rụng trái non. Cũng theo kinh nghiệm của ông Tư, để trái bưởi to, đẹp, bán được giá cao cần loại bỏ bớt khi một cuống nhiều trái, chỉ để 1-2 trái, một mặt để dưỡng cây, mặt khác khi chín trái sẽ lớn, loại 1 bán giá cao.
Sản xuất an toàn là nhằm tạo ra sản phẩm không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh. Do đó, ông chỉ sử dụng phân, thuốc hóa học khi thật cần thiết và đảm bảo theo đúng liều lượng và chủng loại trong danh mục được khuyến cáo. Trong quá trình chăm sóc bưởi, ông ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, vi sinh để bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ thiên địch. Ông Tư cho biết, kiến vàng rất có lợi cho cây có múi, là khắc tinh hữu hiệu của rệp sáp gây rụng trái non và bệnh da cám trên trái trưởng thành.
Thành công của ông Phạm Văn Tư là không trồng chuyên canh cây bưởi hay cây dừa mà trồng xen. Vì theo ông, 2 loại cây trồng này có tính cộng sinh. Cây bưởi cần tán che mát của dừa và khi tưới nước, phân cho bưởi dừa cũng hấp thu nên cả 2 đều phát triển tốt. Tuy nhiên, để bưởi có lượng ánh sáng, không khí nhất định trong quá trình quang hợp, trao đổi chất và đủ đất ăn thì dừa phải trồng thưa hơn so với cách trồng truyền thống (khoảng 10m/cây). Mặc khác, theo ông Tư cả 2 cây bưởi và dừa hiện nay đều có giá trị kinh tế cao nên trồng xen sẽ tận dụng hết khoảng trống của đất, tăng cao hơn thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời cùng lúc chăm sóc cả hai nên đỡ tốn công, ít chi phí và hạn chế rủi ro về giá cả.
Trần Thanh
|