Những năm gần đây, nhiều người dân ở huyện Châu Thành, Bến Tre đã chọn cây bưởi da xanh là cây vươn lên làm giàu vượt khó. Toàn xã An Khánh hiện có 9,45 ha trồng bưởi da xanh, cây phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, điển hình là hộ anh Lê Phong Hải, ấp An Thạnh, xã An Khánh, huyện Châu Thành.
Ông Lê Phong Hải (người mặc áo xanh) đang trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi.
Vào năm 2007, qua tìm tòi học hỏi anh Hải nhận thấy cây bưởi da xanh mang lại nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, anh bắt đầu cải tạo lại đất vườn trồng 80 gốc bưởi da xanh từ dự án của tỉnh. Với khoảng 3.000m2 đất, đến nay anh trồng được 100 gốc bưởi da xanh. Trung bình, mỗi tháng anh thu hoạch từ 150-200kg bưởi. Với giá dao động khoảng 26.000-32.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, gia đình anh có thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Phong Hải cho biết: “Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi trồng bưởi không có hiệu quả. Từ khi tham gia vào dự án trồng bưởi da xanh thì tôi đi tập huấn nhiều nơi, tìm hiểu về cách chăm sóc bưởi qua đài, báo,... Theo tôi, muốn trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả thì nên đắp mô cao để cây thoát nước tốt, trồng cách mặt đất khoảng 4-6 tấc. Cần đắp mô trước một tháng, sau đó mới trồng để mô đất không bị xốp. Sâu bọ trĩ và sâu vẽ bùa là loại bệnh thường gặp nhất trên cây bưởi da xanh, để phòng trị, tôi thường sử dụng thuốc trừ sâu phun cho cây”.
Nhìn vườn bưởi phát triển tốt, chúng tôi hiểu được sự chăm sóc dành cho cây bưởi da xanh quả là không nhỏ. Ngoài việc nuôi bò để nâng cao mức sống gia đình, anh còn tận dụng phân bò bón cho cây, giúp cây sinh trưởng tốt. Trung bình 1 năm anh bón phân bò 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, mỗi lần khoảng 30kg/cây.
Ngoài ra, anh còn bón phân hóa học, chủ yếu là 20-15 bốn lần/năm. Đối với cây bưởi lớn anh bón liều lượng 300g/lần, riêng cây nhỏ khoảng 150-200g/lần bón.
Theo ông Phạm Văn Của-Ban Chấp hành Hội Nông dân xã An Khánh cho biết: “Hiện xã có khoảng 20 ha diện tích trồng bưởi da xanh. Hội Nông dân xã đang thành lập câu lạc bộ sản xuất bưởi da xanh theo hướng VietGAP, có khoảng 50 hộ tham gia. Nếu câu lạc bộ này phát triển mạnh thì sẽ thu hút nhiều nông hộ tham gia, trong đó có anh Hải bởi quy trình sản xuất này có nhiều ưu điểm như: giá cả mang tính cạnh tranh cao trên thị trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, sản lượng trái nhiều, đảm bảo chất lượng trái ngon,…
Qua đây cho thấy, cây bưởi da xanh đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông hộ tại huyện Châu Thành. Vừa qua, mô hình trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao của anh Lê Phong Hải được UBND huyện tặng giấy khen. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, hộ anh Lê Phong Hải nói riêng và nhiều nông hộ khác sẽ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Trúc Lan
|