“Thời gian qua, trong khi nhiều loại trái cây có giá cả lên xuống thất thường thì giá trị trái bưởi da xanh luôn ổn định và đứng ở mức cao, vì thế tôi chọn cây bưởi da xanh làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình”. Đó là lời tâm sự của nông dân Ngô Ngọc Lãng, ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Anh Lãng là một trong những nông dân trồng bưởi da xanh có hiệu quả cao tại xã Vĩnh Bình. Với 60 gốc bưởi da xanh, mỗi năm cho thu nhập khoảng 45 triệu đồng.
Anh kể, năm 2000, gia đình có mua 2 nhánh bưởi tại một cơ sở sản xuất cây giống ở thành phố Bến Tre về trồng thử. Sau 4 năm trồng, cây bắt đầu cho trái, ruột trái đỏ hồng, hương vị ngọt lịm, cơm ráo, ăn rất ngon. Từ đó, anh quyết định nhân giống bưởi da xanh-loại cây ăn trái còn ít người trồng lúc bấy giờ để trồng trên diện tích 3.000m2 đất vườn. Cây giống được sản xuất từ gốc ghép cây volka, mắc ghép của cây bưởi da xanh.
Ban đầu anh trồng xen với vườn nhãn tiêu quế. Cây nhãn cho trái được vài năm thì đối mặt với tình trạng bị chết nhánh, không lâu sau đó, bệnh chổi rồng bắt đầu xuất hiện và lây lan nhanh, gây thiệt hại không nhỏ cho gia đình. Để đảm bảo cho cây bưởi da xanh phát triển tốt, anh quyết định phá bỏ nhãn kém hiệu quả, để tập trung chăm sóc vườn bưởi. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên năm đầu cây cho trái với năng suất thấp, khoảng 1 tấn/năm, trái có vỏ dày, nhẹ ký. Sau đó, nhờ tham dự những lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, và tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình canh tác, nên sang năm thứ 3 anh đã xử lý cây cho năng suất khá cao, khoảng 3 tấn/năm, trong đó, bưởi loại 1 chiếm đa số. Với giá bán trung bình 15.000kg, sau khi trừ chi phí, năm qua gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng từ vườn bưởi.
Cũng theo anh Lãng, trồng bưởi da xanh không khó, chi phí cho phân, thuốc tương đối ít. Với kinh nghiệm trồng bưởi của mình anh cho biết thêm về cách bón phân, đầu mùa mưa, tiến hành bón vôi để cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, sau 7-10 ngày, bón phân komix, liều lượng 1kg/gốc, 7-10 ngày sau, bón N-P-K 20-20-15, liều lượng 1kg/gốc. Riêng đối với phân N-P-K, mỗi năm bón 4 lần, liều lượng mỗi gốc 1 kg.
Về cách phun thuốc, chủ yếu là phòng trừ nấm bệnh, phun làm 4 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày, phun vào thời điểm đầu và cuối mùa mưa. Đối với bệnh xì mủ gốc, sử dụng thuốc Ridomil, pha với nước, dùng cọ thấm nước quét trên bề mặt vết bệnh.
Đặc biệt, để diệt trừ các loại sâu hại, mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, anh sử dụng phương pháp nuôi kiến vàng. Qua thời gian áp dụng, anh nhận thấy phương pháp này có hữu hiệu, không thấy xuất hiện sâu hại trên cây có nuôi kiến vàng.
Anh cho biết bí quyết để vườn bưởi cho trái to, đẹp: “Tôi chỉ giữ lại 1 trái trên mỗi chùm, ngắt bỏ trái ở vị trí trên đọt cây, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái”.
Có được thành quả hôm nay là phải kể đến vai trò của tổ Liên kết sản xuất bưởi da xanh theo hướng GAP xã Vĩnh Bình, anh cũng là thành viên của tổ-anh Lãng nói. Mục tiêu của tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo hướng GAP là bảo đảm an toàn cho người lao động, người tiêu dùng và đồng thời bảo vệ môi trường. Tham gia tổ liên kết, các thành viên hỗ trợ về mặt chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký trong quá trình chăm sóc cây bưởi da xanh, có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất để cùng nhau đạt hiệu quả.
Việt Cường
|