Đến xã Sơn Định, huyện Chợ Lách hỏi đến mô hình trồng bưởi da xanh, người ta thường nhắc đến ấp Sơn Phụng. Bởi lẽ nơi đây đã thành lập được tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh và có nhiều nông dân vươn lên phát triển kinh tế làm giàu từ mô hình trồng bưởi.
Nhờ các phương tiện thông tin đại chúng mà Anh Phạm Anh Huy tổ 11, ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định giờ đây trở thành một trong những gương điển hình thành công trên vườn bưởi da xanh.
Anh Huy cho biết “Trước khi trồng bưởi da xanh, gia đình trồng chuyên canh cây nhãn tiêu da bò, lúc đó giá nhãn không cao, đọc báo Tuổi Trẻ tình cờ phát hiện thấy bà con trồng bưởi da xanh bán được giá. Hỏi thăm nhiều người tôi tìm đến xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre mua 5 nhánh bưởi giống mang về trồng thử, không ngờ đúng như thực tế, giá bán khá ổn định”. 5 nhánh bưởi da xanh mang về anh đem trồng xen trong vườn nhãn, qua một năm chăm sóc cây bén rễ, thích nghi với đất và phát triển khá nhanh. Anh bắt đầu chiết nhánh tiếp tục trồng xen trong vườn nhãn. Sang năm thứ 3 cây cho trái chiến, anh quyết định chặt phá cây nhãn và trồng chuyên canh cây bưởi da xanh.
Trên diện tích 5 ngàn mét vuông, anh trồng hơn 200 cây bưởi da xanh với khoảng cách từ 4-6 mét/cây. Cây lớn nhất được 14 năm tuổi và nhỏ nhất hơn một năm tuổi. Năng suất hàng năm đạt trên 12 tấn trái, trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng.
Để vườn bưởi da xanh phát triển tốt cho năng suất cao, anh Huy không xử lý cho cây ra trái theo mùa vụ mà xử lý ra trái quanh năm. Có điều ngạc nhiên, anh không làm sạch cỏ như các vườn khác, vì theo anh để cỏ trong vườn, khi tưới nước làm mát cho cây và tận dụng cỏ mọc nuôi thêm dê, mục đích lấy phân rãi bưởi sẽ xanh tốt hơn.
Anh Huy chia sẻ “Bưởi da xanh rất chuộng phân hữu cơ, tuy nhiên muốn cây xanh tốt tăng trưởng mạnh, phòng ngừa sâu bệnh và ra hoa đều phải kết hợp dùng phân hóa học. Vì thế đối với phân hữu cơ một năm tôi sử dụng một lần, trọng lượng 20 kg/cây, rãi vào thời điểm tháng nắng (khoảng tháng 12 âm lịch). Thời gian còn lại tôi sử dụng phân hóa học, mỗi tháng sử dụng một lần loại phân NPK 20-20-15 giúp kích thích ra hoa và kết hợp phân 16-16-8, giúp cho trái đẹp, trọng lượng 0,5 kg trên cây. Ngoài ra, tôi còn phun thuốc dưỡng lá kết hợp dầu khoáng từ 2-3 tháng/lần”.
Để cải tạo đất, tăng độ pH và giảm độ chua, vào thời điểm dứt mùa mưa anh còn sử dụng vôi bột để rãi dưới mặt đất xung quanh cây bưởi da xanh.
Với cách làm này, trong các năm qua vườn bưởi da xanh của anh cho trái ổn định và thu nhập khá. Cũng theo anh Huy, bưởi da xanh cho trái ổn định và năng suất cao vào khoảng từ năm thứ 6 đến năm thứ 11. Hiện nay, vườn bưởi da xanh của gia đình xem như bị lão hóa năng suất không cao đạt khoảng 7-8 tấn trái/năm.
Qua theo dõi thị trường tiêu thụ và nhận xét về chất lượng, anh Huy thấy rằng bưởi da xanh vẫn là cây chiếm lĩnh thị trường.
Năm 2009, vẫn ưa chuộng với cây bưởi, anh tiếp tục chiết nhánh và cải tạo lại đất để trồng lại bưởi da xanh, đối với những cây già nua lão hóa hay bị sâu bệnh anh đã thay thế cây con trồng xen bên cạnh. Đến nay số lượng cây hậu bị được thay thế chiếm khoảng 1/3, cây sinh trưởng rất tốt, được trên 1 năm tuổi.
Tiếp thu kiến thức qua các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo, tham quan mô hình làm kinh tế giỏi từ vườn bưởi da xanh của bà con nông dân trong và ngoài xã, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Anh Huy nhận ra rằng, trồng bưởi da xanh quan trọng nhất phải là vùng đất thích hợp. Đối với đất thấp thường xuyên bị ngập nước, khi trồng bưởi da xanh cần đắp mô, bản thân cây bưởi rất thích nước và nó cũng sợ nước. Nếu cây thường xuyên bị ngập dễ sinh ra bệnh thối rễ và cây thiếu nước trái bị khô…
Với sự nhạy bén và kinh nghiệm được tích lũy qua chăm sóc vườn bưởi da xanh, hy vọng rằng thời gian tới những cây bưởi hậu bị của anh Huy sẽ phát triển tốt và cho năng suất cao hơn mong đợi.
Trúc Ly
|