Bên cạnh bưởi da xanh thì ổi là loại trái cây thơm, dòn, có vị chua ngọt được thị trường ưa chuộng bởi có giá trị dinh dưỡng và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người. Ngày nay, giá trị của loại trái cây này góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế gia đình của nhiều nông dân ở địa phương. Tiêu biểu là mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi ruột hồng của anh Nguyễn Văn Hồng ở ấp 1, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre.
Với 8.500 mét vuông đất, thời gian đầu anh trồng chuyên canh ổi ruột hồng và tận dụng ao vườn nuôi tôm càng xanh. Vài năm gần đây, do nguồn nước bị ô nhiễm nên anh không còn nuôi tôm càng xanh nữa. Với bản chất nhà nông, cần cù chịu khó anh không chùn bước mà bắt đầu tìm hướng đi mới cho mình. Đến năm 2006 được biết thông tin của chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đến năm 2010, anh nhận thấy bưởi da xanh có hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định, từ đó anh chuyển sang mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi ruột hồng. Ban đầu anh trồng xen 150 cây bưởi da xanh, thấy cây phát triển tốt đến năm 2007 anh nhận thêm 60 cây từ dự án về trồng xen trong vườn ổi của mình.
Anh chia sẻ với chúng tôi về kỹ thuật trồng và chăm sóc như sau: Trồng bưởi da xanh phải lên liếp, đắp mô rộng 6 tấc, cao 4 tấc so với mặt liếp để cây dễ thoát nước trong mùa mưa. Từ đó, anh bắt đầu tỉa bớt ổi, trồng xen bưởi với khoảng cách trồng 4m x 5m.
+ Về phân bón: Phân chuồng (phân gà), NPK, Phân đơn (U-rê, Lân, Kali).
Cách bón: Bón phân 1 lần/tháng tùy từng độ tuổi của cây mà có lều lượng bón phân cho thích hợp (từ 100 gram-300 gram)/1 cây. Phân hóa học chủ yếu bón vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4 âm lịch). Trước khi bón phải xới đất xung quanh gốc để rễ cây dễ hấp thu, giúp cây ra trái nhiều. Rãi phân xong lắp bùn lại nhằm hạn chế phân thất thoát. Dùng nấm Trichoderma rãi vào phân gà trộn với mụn dừa cho phân mau hoai để bón cây trồng giúp cây luôn xanh tốt và tiết kiệm chi phí-anh Hồng chia sẻ. Đặc biệt, vào mùa khô phải tăng cường bón phân hữu cơ để tăng cường độ ẩm và dưỡng chất cho cây.
+ Đối với ổi: Cho trái quanh năm, vì thế thường xuyên tỉa cành cho cây thông thoáng, dễ đâm chồi. Từ lúc trổ bông đến khi cho trái non (khoảng 50 ngày) bắt đầu phun thuốc, sau đó dùng túi ny-lon bao trái lại giúp trái bóng, đẹp đồng thời không bị sâu hại, giá bán cao (8.000 đồng/kg).
Với cách làm trên, hàng tháng anh thu nhập từ ổi khoảng 6 triệu đồng. Do bưởi nhà anh mới bắt đầu cho trái, từ đầu năm 2010 đến nay anh thu được khoảng 10 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, anh dự tính thu hoạch khoảng 200 kg bưởi vào dịp Tết. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi cho trái đồng đều kết hợp với thu hoạch ổi hàng tháng gia đình anh sẽ có thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với hiện tại.
Nhờ thường xuyên tham dự các lớp tập huấn về cây trồng-vật nuôi do Trung tâm khuyến nông huyện, tỉnh tổ chức mà anh đã có nhiều kinh nghiệm. Là một trong những kỹ thuật viên của dự án phát triển 4.000 ha bưởi da xanh đến năm 2010 vì vậy anh thường trao đổi, hướng dẫn bà con trồng bưởi về các kỹ thuật trồng để có kinh nghiệm và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Với tính cần cù chịu khó mà năm 2007 anh được tặng giấy khen với thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện với mô hình trồng ổi kết hợp nuôi tôm càng xanh.
Việt Nhân
|