Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ loại cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao là hướng đi mới được ông Trần Văn Ba ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách áp dụng trên diện tích 15.000 mét vuông đất vườn chuyên trồng cây nhãn xuồng cơm vàng sang trồng bưởi da xanh.
Theo ông Trần Văn Ba, trồng chuyên canh cây nhãn xuồng cơm vàng, năng suất hàng năm đạt khoảng 4 tấn trái, bình quân khoảng 300 kg/1.000 mét vuông; thu nhập khoảng 60 triệu đồng, xem ra thu nhập từ mô hình trồng nhãn là rất thấp so với một số nông dân chuyên trồng các loại cây ăn trái khác, đặc biệt là đối với bưởi da xanh.
Sau khi nhẫm tính và so sánh với nhiều nông dân trong xã, có hộ chỉ vài ba công đất nhưng thu nhập của gia đình rất ổn định, cứ khá lên nhờ vào trồng bưởi da xanh. Nhờ tính cần cù chịu khó và say mê trồng bưởi da xanh, ông Trần Văn Ba tìm đến những nông dân trồng bưởi da xanh trong và ngoài xã để tham quan học hỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Cụ thể, năm 2004 ông Trần Văn Ba đã tìm đến nhà ông Hai Hoa (người có nhiều kinh nghiệm và thành công trên vườn bưởi da xanh) ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách để mua cây giống về trồng xen trong vườn nhãn. Qua thời gian chăm sóc, thấy cây bưởi da xanh phát triển tốt thích nghi với vùng đất này, ông Ba đã quyết định đốn bớt vườn nhãn thay thế dần diện tích và trồng 400 cây bưởi da xanh trên diện tích 10.000 mét vuông, với khoảng cách 4 mét vuông/1 cây.
Cây bưởi da xanh vườn ông trồng được 4 năm thì bắt đầu cho trái chiến, hiện nay đang vào vụ thu hoạch thứ 3. Ở vụ thu hoạch đầu tiên do chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa cây chỉ mới cho trái chiến nên năng suất không cao, thu hoạch khoảng 500 kg. Đến vụ thu hoạch thứ 2, ông bắt đầu xử lý cho cây bưởi da xanh ra trái rãi vụ năng suất có khá hơn khoảng 5 tấn trái, giá bán trung bình khoảng 10.000đ/kg, tổng thu nhập trên 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng giúp gia đình thu lãi hơn 35 triệu đồng.
Cùng thời gian này, ngoài chăm sóc vườn bưởi ông Trần Văn Ba còn tích cực đọc báo, nghe đài để nắm bắt thêm kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây bưởi da xanh và tham gia vào tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP của xã Hòa Nghĩa. Đây chính là nguyện vọng của ông, vì khi tham gia sinh hoạt vào tổ ngoài được tiếp thu những kiến thức bổ ích về kỹ thuật chăm sóc cũng như quy trình sản xuất bưởi da xanh theo hướng sạch, chất lượng an toàn, ông còn được tham quan học tập các mô hình làm kinh tế hiệu quả để vận dụng vào vườn bưởi da xanh của gia đình đạt hiệu quả cao.
Nhận xét về ông Trần Văn Ba, ông Cổ Thượng Lộc tổ trưởng tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP xã Hòa Nghĩa cho biết: “Trong các lần sinh hoạt tổ và các buổi tập huấn hội thảo, ông Ba rất tích cực tham gia và cũng là tổ viên có diện tích trồng bưởi da xanh khá nhiều so với các tổ viên khác”.
Nhờ tích cực tham gia tìm tòi học hỏi, nghiên cứu sáng tạo, vườn bưởi da xanh của ông Trần Văn Ba cứ tốt dần, sang vụ thu hoạch vừa qua năng suất bưởi da xanh tăng lên đáng kể đạt trên 10 tấn, giá bán cao nhất 32 ngàn đồng/kg và thấp nhất là 12 ngàn đồng/kg, được thương lái đến thu mua tại vườn, mang lại thu nhập cho gia đình trên 130 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Ba cho biết “so với vườn bưởi da xanh của một số nông dân trong xã, năng suất bưởi da xanh của gia đình tuy có thấp hơn nhưng đây chỉ là bước đầu, ông sẽ cố gắng tìm tòi và tiếp thu nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật để vườn bưởi da xanh đạt năng suất cao hơn, với ông đây cũng được xem là mô hình hiệu quả”.
Ngoài ra, ông Trần Văn Ba còn cho biết thêm, so với trồng nhãn, trồng bưởi da xanh xem ra khó hơn, vì cây bưởi da xanh dễ bị bệnh. Một số bệnh mà cây bưởi da xanh thường hay gặp đó là bệnh vàng lá, thối rễ, sâu vẽ bùa, sâu cắn đọt non. Các phòng bệnh tốt nhất cho bưởi da xanh là nên sịt thuốc phòng ngừa, để phòng trừ nấm, nên quét vôi vào gốc bưởi, mỗi năm 2 lần, lần thứ nhất vào đầu mùa mưa và lần thứ hai vào cuối mùa mưa.
Đối với phân bón ngoài ưu tiên sử dụng phân hữu cơ 15 kg/1cây X 400 cây, rãi một năm một đợt, bắt đầu rãi vào thời điểm đầu mùa mưa. Ông Trần Văn Ba còn chú trọng kali, vì theo ông kali giúp cho chất lượng trái được ngon hơn và sử dụng phân NPK 20-20-0 hoặc 16-16-8, một năm rãi 4 đợt, cách 3 tháng rãi một lần, mỗi lần khoảng 500 kg/10.000 mét vuông.
Bằng sự cần cù, chịu khó, tìm tòi nghiên cứu học tập sách, báo, nghe đài, tham quan học tập các mô hình và kinh nghiệm của bản thân đã giúp cho nông dân trần văn ba ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa huyện Chợ Lách thành công bước đầu trên vườn bưởi da xanh.
Thảo Ly
|