Sau 3 năm triển khai Dự án xây dựng mô hình thâm canh và tiêu thụ bưởi da xanh theo hướng hàng hóa, an toàn, chất lượng cao, đến nay dự án đã bước đầu đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần vào phong trào phát triển 4.000 ha toàn tỉnh.
Bưởi da xanh ở Tân Phú-Châu Thành.
Dự án đã tổ chức tập huấn trên 50 lớp với trên 1.100 nông dân tham gia. Tổng vốn đầu tư 3,454 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp KHCN TW, sự nghiệp KHCN tỉnh, huyện, nhân dân. Đồng thời, dự án còn tổ chức 11 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình với khoảng 550 lượt nông dân tham dự. Đã hội thảo lớn, hội thảo đầu bờ với 700 người tham dự. Tham quan, hội nghị trong ngoài tỉnh hàng mấy chục cuộc.
Dự án cũng đã tiến hành xây dựng mô hình, điều tra thực trạng trồng bưởi tại Thị trấn, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hoà Nghĩa, Long Thới, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung. Qua điều tra cho thấy, tổng diện tích bưởi da xanh của 7 xã là 561 ha. Trong đó, trồng xen canh 486 ha, trồng chuyên canh 75,4 ha, cây đến 2 năm tuổi là 393 ha, 4 năm là 132 ha, trên 4 năm là 36 ha. Các xã có diện tích trồng ít như Long Thới chỉ 19,8 ha, Thị trấn 40,4 ha, Vĩnh Thành 48,9 ha. Dự án có tổng cộng 475 hộ tham gia. Kết quả về mô hình trồng mới 100 ha đã thực hiện đạt 100% kế hoạch với 400 hộ tham gia, được chia thành 15 tổ. Trong đó, diện tích đăng ký của từng địa phương hầu hết đều đạt vượt chỉ tiêu. Chỉ có Sơn Định chỉ đạt 66%, còn Hưng Khánh Trung vượt 66%. Hiện cây trồng sinh trưởng khá tốt trên 90% diện tích. Số yếu kém nguyên nhân do một phần diện tích bị ngập úng bởi triều cường trong thời điểm cuối năm 2008. Cây bị thúi rễ, vàng lá chiếm hơn 62%. Số còn lại do bị rệp sáp, tuyến trùng, thổ nhưỡng không phù hợp.
Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện đã có 28,5 ha đang cho trái chiến, chiếm 28,5%. Riêng mô hình thâm canh 50 ha, có 153 hộ nông dân tham gia. Hiện cây sinh trưởng và phát triển khá và tốt chiếm 91%. Năng suất sau khi thâm canh đã tăng rõ rệt, từ 20-30%. Chất lượng tăng từ 10-15% thể hiện qua tiêu chuẩn bưởi loại I ngày càng nhiều, từ 35-50% (từ 9.000đ lên 14.000đ/kg). Dự án cũng đã chú trọng đến việc xây dựng, tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hoá. Đã vận động thành lập được 7 mô hình trồng theo tiêu chuẩn GAP ở 6 xã và 1 thị trấn với 280 thành viên tham gia.
Năm 2009, thành lập mô hình liên kết giữa nhà vườn, các doanh nghiệp, có 29 tổ viên cùng ký hợp đồng hợp tác thu mua. Về hiệu quả kinh tế-xã hội, tuy chưa thể đánh giá một cách toàn diện vì các mô hình vẫn đang còn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng kết quả bước đầu cho thấy chi phí sản xuất của mô hình thâm canh (107.3 triệu đồng/ha/năm) cao hơn so với trồng đại trà (98.5 triệu đồng/ha/năm). Khoảng chênh lệch 10 triệu đồng/ha/năm. Chi phí sản xuất của mô hình cao hơn là do đầu tư thêm phân hữu cơ, công lao động chăm sóc. Tuy nhiên, mô hình đầu tư thâm canh lại cho năng suất, chất lượng cao hơn, sản lượng của mô hình là 15 tấn trong khi sản xuất đại trà chỉ có 14 tấn. Phẩm chất trái của mô hình cũng tốt hơn, giá bán cũng tăng hơn 1 triệu/1 tấn. Tổng lợi nhuận thu được cao hơn 20.2 triệu đồng/ha/năm. Riêng về hiệu quả đạt được so với trước khi thực hiện dự án thì rất cao. Vốn đầu tư thấp, chỉ 75 triệu đồng/ha thì lợi nhuận thu được 25 triệu đồng/ha do năng suất không cao, chất lượng trái thấp. Từ đó, tỷ suất lợi nhuận đạt được cũng rất thấp chỉ khoảng 0.33, trong khi đó mô hình dự án tham gia hỗ trợ đầu tư đã đạt tỷ suất đến 1.1. Như vậy có thể thấy mô hình của dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu tư 1 đồng vốn sẽ thu được 1.2 đồng lời. Đây là cơ sở thực tế để phát động nông dân nhân rộng mô hình. Trong thời gian thực hiện dự án, mô hình đã nhân rộng thêm được trên 435 ha, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 986 ha. Do vậy, chúng ta có thể khẳng định mô hình đã thành công và có khả năng nhân rộng đạt 1.000 ha vào năm 2010, theo chương trình phát triển của tỉnh.
Bài, ảnh: Hữu Hiệp
|