Thương hiệu
Ước mơ vàng từ bưởi da xanh
Thứ sáu, 19/6/2009 14:09
Nhiều người thấy người ta đem bưởi da xanh bán cho các nhà hàng đôi chục ngàn đồng/trái, tưởng dễ ăn, thế là bèn mua cây giống về trồng trên đất vườn của mình. Song, kết quả đã không như mong đợi. Những trái bưởi da xanh ấy đều kém chất lượng nếu so với trồng trên đất Mỹ Thạnh An, chưa nói đến tạo ra những trái bưởi xuất khẩu. Xem ra chẳng dễ dàng gì, nhưng ước mơ làm giàu từ giống bưởi đặc sản này vẫn có thể trở thành hiện thực…



Niềm vui thương hiệu

Đầu tháng 10-2005 là ngày vui của những chủ vườn tại xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre. Sau thời gian khá dài chạy lo thủ tục, ngày 30-9-2005, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận thương hiệu bưởi da xanh xã Mỹ Thạnh An (thị xã Bến Tre) cho HTX Bưởi da xanh xã Mỹ Thạnh An. HTX với giống Bưởi Da xanh nổi tiếng này đã được thành lập từ hơn 5 năm qua. Còn trước đó, vào năm 1996, bưởi da xanh của ông Bùi Thiện Mỹ trồng trên đất Mỹ Thạnh An cũng đã bất ngờ đoạt giải nhì về cây có múi tại hội thi trái ngon do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tổ chức. Tiếng thơm và thanh danh của bưởi da xanh Mỹ Thạnh An-Bến Tre bắt đầu bay xa. “Nàng công chúa” bấy lâu ngủ vùi trong rừng thẳm được đánh thức từ đó…

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ nhiệm HTX Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, tâm sự: “ Trước năm 1990, ít ai biết đến giống bưởi này, người ta thường nói đến bưởi Biên Hòa, bưởi Năm Roi hơn. Lúc bấy giờ, mỗi chủ vườn ở Mỹ Thạnh An chỉ trồng dăm ba cây bưởi da xanh quanh nhà chủ yếu để gia đình ăn hay làm quà cho người thân. Nhưng rồi, khi ăn, ai cũng thấy nó ngon ngọt hết sức. Và nếu ngon đặc biệt đến thế thì tại sao ta không cho nó bung ra ngoài thương trường(?). Vậy là người dân Mỹ Thạnh An rồi sau đó là Mỏ Cày, Chợ Lách, Châu Thành…bắt đầu mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh…”.

Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An có ruột màu hồng, rất ít hạt, múi bưởi ăn không đắng, vị ngọt thanh, càng thích. Theo nhận định của nhiều người dân ở đây trên 10 năm qua, chất lượng bưởi da xanh chính gốc Mỹ Thạnh An không suy suyển. Ông Nguyễn Văn Mười cho biết thêm: “Năm 2004, bưởi da xanh của HTX chúng tôi đã xuất sang Đức, xuất làm 3 đợt, tổng cộng là 7 tấn bưởi. Nghe nói khách hàng bên ấy rất thích…”.

HTX Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An hiện là thành viên của GAP (trồng và tiêu thụ sản phẩm ngon, an toàn) khu vực 6 tỉnh giáp sông Tiền. HTX hiện có 61 xã viên, canh tác 60 ha bưởi da xanh phần lớn đã cho trái, sản lượng hàng năm khoảng 600 tấn và sản xuất cây giống qua phương pháp chiết cành khoảng 10.000 cây/năm. Vào thăm vườn bưởi da xanh 2,5 công đất của ông Mười, được ông cho biết: Mỗi công đất (1.000 m2) trồng 40 cây bưởi. Bưởi trồng từ năm thứ 5 đến thứ 8 là lúc cho trái sung nhất, khoảng 120-150 trái/cây. Trái bán tại vườn hiện được giá 13.000 đồng/kg (loại trái to từ 1,4 kg trở lên)… Cũng theo ông Mười, trong kế hoạch phát triển của HTX, đến năm 2010 diện tích trồng bưởi da xanh sẽ được nâng lên từ 110-120 ha, riêng sản xuất cây giống sẽ đạt 48.000 cây/năm.



“Bí mật” Bưởi da xanh

Theo thống kê của Sở khoa học & Công nghệ Bến Tre, hiện tỉnh có 1.544 ha bưởi da xanh, trồng tập trung tại thị xã Bến Tre, các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày. Bưởi da xanh trồng trên đất cù lao Bến Tre nói chung trái có trọng lượng khá to: 1.500 g/trái, vị ngọt không chua (độ brix: 9,5-12%), tỷ lệ thịt của trái trên 55%, mùi thơm và nhiều hạt (10-30 hạt/trái). Bưởi da xanh có giá trị cao về dinh dưỡng và y học. Trong 100g bưởi ăn được chứa: năng lượng 59 calo và có nhiều chất khoáng như Ca: 30 mg; P: 21 mg; Fe: 0,7 mg, ngoài ra còn có nhiều loại Vitamin như Vitamin C, A, B1, B2. Ăn bưởi góp phần hỗ trợ sức khỏe con người như giúp dễ tiêu hóa và lưu thông máu… So với các loại bưởi khác, trên 10 năm qua bưởi da xanh luôn có giá với mức từ 10.000 đồng/kg trở lên. Đó là những mặt ưu điểm của bưởi da xanh.

Tuy nhiên, do trình độ canh tác chưa đồng đều, chỉ số ít nông dân có trình độ thâm canh cao nên có những mô hình hiệu quả, còn lại đa số là canh tác theo tập quán cũ dẫn đến: sản phẩm không đồng nhất về hình dạng, trọng lượng và chất lượng nên đã ảnh hưởng trong tiêu thụ. Phần khác, việc đăng ký thương hiệu bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn rất ít. Hiện chỉ có 4 tổ chức, cá nhân đăng ký là Ba Rô (Mỏ Cày), Hai Hoa (Chợ Lách), Nông Phú Điền (phường 8, thị xã Bến Tre) và HTX Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An. Có lý do vì sao người ta lại đăng ký thương hiệu bưởi da xanh quá ít. Một người rất “mê” trồng bưởi da xanh ở Bến Tre cho biết nếu đăng ký, khi có thương hiệu rồi thì biết làm sao để có đủ loại bưởi da xanh đồng nhất về hình thái, chất lượng và số lượng để cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Quả vậy, cây bưởi da xanh “khó tính” vô cùng. Nhiều người thấy các chủ vườn ở Mỹ Thạnh An đem đến các nhà hàng bán bưởi da xanh 14.000-15.000 đồng/kg, có trái ngoài kg bán trên 20.000 đồng, tưởng dễ ăn, thế là mua giống đem về đất nhà của mình trồng. Song, kết quả đâu như mong đợi vì cây lại cho ra những trái bưởi chua, đắng, ít nước. Trong một mảnh vườn cùng trồng bưởi da xanh cũng vậy. Cũng chăm sóc, vô phân bón như nhau nhưng có cây cho trái chất lượng, cây thì không(!?)

Hướng đến một nền sản xuất lớn

Ông Trương Minh Nhựt, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, tâm tư: “Theo đánh giá chung, việc phát triển cây bưởi da xanh tại Bến Tre còn chậm, mang tính tự phát, manh mún, một số yêu cầu về kỹ thuật canh tác chưa thực hiện tốt… Vì thế, rất khó khăn cho việc tạo ra hàng hóa có tính quy mô, ổn định để có thể tiếp thị, mở rộng thị trường theo hướng sản xuất lớn. Trước bức xúc trên, qua chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng “Chương trình phát triển bưởi da xanh theo hướng trái sạch” để đảm bảo lượng hàng hóa có tính quy mô lớn, ổn định nhằm mở rộng thị trường trong và ngoài nước”.

Mục tiêu cụ thể của chương trình này là: Từ 2005 đến 2010 đầu tư vùng trọng điểm trồng bưởi da xanh 3.500 ha ở các huyện Chợ Lách (1.000 ha), Châu Thành (1.000 ha), Mỏ Cày (1.000 ha) và thị xã Bến Tre (500 ha)-trên cơ sở đó, Bến Tre đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái. Ứng dụng công nghệ GIS quản lý vùng canh tác, quản lý tổng hợp kỹ thuật và dịch hại. Cải thiện phẩm chất trái bưởi da xanh theo hướng chất lượng và an toàn thực phẩm, ổn định và giữ vững năng suất (12-15 tấn/ha), mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so hiện tại. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, trang thông tin điện tử (Website) cũng như công tác tiếp thị để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Xây dựng mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà buôn và nông dân trong quá trình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ…

Khi đi sâu vào những trăn trở của trái bưởi da xanh trên đất cù lao Bến Tre, bất chợt tôi nhớ đến lời than của tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Ông nói rằng đến Bến Tre trong hiện tại, muốn tìm một nơi nào đó trồng tập trung chừng 2-3 ha bưởi da xanh để nghiên cứu làm cây giống, tìm hoài cũng không ra. Vậy thì làm sao có thể nói đến chuyện sản xuất hàng hóa lớn. Thế nên, trong lần phát biểu gần đây, ông tỏ ra rất vui mừng khi biết Bến Tre đang hướng đến một nền sản xuất lớn và an toàn qua một chương trình sản xuất bưởi da xanh đầy tâm huyết.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

 
In bài viết