|
Thứ tư, 08/7/2009 10:42 |
Hỏi: Trên thân và cành bưởi có nhiều vết nứt, nguyên nhân và cách phòng trị như thế nào? Cách diệt chùm gửi trên cây bưởi?
Đáp (KS. Tiêu Minh Tâm): Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt cành hay thân cây có múi. Trường hợp cây đang phát triển tốt mà cành bị nứt và không có chảy mủ là do cây phát triển không đều giữa phần gỗ và phần vỏ cây, và cũng không gây ảnh hưởng gì đến cây bưởi. Trường hợp thứ hai là nứt thân có chảy mủ, theo thạc sĩ Phạm Hoàng Oanh –Trường ĐHCT - thì có hai nguyên nhân: (1) Do nấm Phytophthora gây hại tạo vết nứt và chảy mủ giống như keo. Nấm này tấn công bên ngoài và vô cả bên trong phần gỗ nên khi phòng trị thì phải lấy dao cạo chỗ vết nứt cho tới phần gỗ bị thâm bên trong và quét thuốc Ridomil vào đó. (2) Do một loại nấm đất tấn công cũng tạo vết nứt nhưng chảy nhựa có sủi bọt trắng. Đây là một loại nấm tương đối khó trị, do đó phải sử dụng các loại thuốc chuyên biệt thuộc nhóm Triazole như Tilt Super hay Bonanza sau khi đã cạo bỏ chỗ thân cây có vết nứt.
Chùm gửi chỉ sống được nhờ qua một cây khác nên rất khó sử dụng hóa chất để diệt chúng. Thực tế chúng tôi cũng đã thử phun hóa chất để diệt chúng nhưng cây trồng cũng chết luôn nên không thể dùng cách này được. Cách tốt nhất là cắt bỏ luôn cả phần nhánh cây bị chùm gửi bám, bởi vì nếu chỉ gỡ cây chùm gửi ra thì phần rễ của nó bám vào cành cây vẫn có khả năng mọc ra cây chùm gửi khác.
Kinh nghiệm xử lý nước phèn và bón phân hữu cơ cho vườn bưởi của “Vua bưởi da xanh”- ông Ba Rô: Trong điều kiện thiếu nước tưới thì có thể sử dụng nước giếng khoan để tưới cho vườn cây. Để xử lý phèn trong nước giếng ta bơm nước qua một giàn phun mưa trên cao và cho nước rơi xuống một cái mương trữ. Trong nước giếng khoan có chứa sắt hóa trị 2 (Fe2+ ) là loại sắt dễ tan và gây độc cho cây trồng, nếu tưới trực tiếp thì cây sẽ bị vàng lá và đổ lá; do đó khi cho nước lên giàn phun mưa thì sắt hóa trị 2 này sẽ bị oxyt hóa thành sắt hóa trị 3 và một phần sắt này sẽ bị kết tủa ở đáy mương trữ. Sau đó cho nước này sang qua một cái mương khác và xử lý bằng 2kg lân + 1kg vôi bột rải trên mặt nhằm giúp cho sắt còn lại tiếp tục kết tủa. Khoảng 10 giờ sau nước trong lại có thể bơm tưới trực tiếp cho cây. Nếu cân thận hơn thì có thể thử độ pH trong nước trước bằng giấy quì có bán ở các cửa hàng hóa chất, nếu pH dao động từ 6 – 7 là tốt nhất.
Khi trồng bưởi ngoài việc sử dụng phân vô cơ thì cần chú trọng đến phân chuồng nhằm giúp cho bưởi ít bệnh, phát triển nhanh và đảm bảo chất lượng trái, lượng phân chuồng hoặc phân hữu cơ khoảng 10 – 20 kg cho 1 gốc bưởi/năm.
|