Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Hiệu quả từ mô hình trồng bưởi da xanh trên vùng đất phù sa
Thứ năm, 11/10/2012 09:52

Ở huyện Bình Đại, diện tích trồng bưởi da xanh hiện không nhiều, khoảng hơn 6 ha. Tuy nhiên, hầu hết người trồng bưởi da xanh của huyện đều áp dụng đúng kỹ thuật trồng nên diện tích trồng bưởi cho năng suất cao. Trong đó, ông Nguyễn Văn Quyết ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại là một trong những hộ thành công với mô hình trồng bưởi da xanh trên vùng đất phù sa, mang về lợi nhuận cao.

 

  

Theo ông Quyết thì ông bắt đầu trồng bưởi da xanh từ năm 2002, trên 5.000m2 đất vườn, ông xuống giống 500 cây bưởi. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn bưởi của ông phát triển tốt và cho năng suất cao. Năm 2006, cơn bão số 6 đổ vào đã gây hư hại khoảng 70% diện tích trồng bưởi của gia đình. Sau cơn bão, ông bắt đầu phục hồi số diện tích bưởi bị hư hại và trồng thêm một số cây mới.

 

Năm 2007, là năm đầu tiên ông Quyết có nguồn thu ổn định từ diện tích bưởi đã phục hồi sau cơn bão và đến nay, tổng diện tích vườn bưởi được phục hồi và trồng mới đã cho thu hoạch đều, trung bình mỗi năm 3 đợt vào tháng 8, tháng 10 và tháng giêng âm lịch, với 5.000m2 đất trồng bưởi, mỗi đợt ông thu hoạch khoảng 500 kg trái, giá bán bình quân 20.000 đồng/1 kg, trừ chi phí lãi trên 10 triệu đồng. 

 

Để có một vườn bưởi xanh tốt như hiện tại, ông đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc ngay từ lúc trồng cho đến thu hoạch trái. Ông Quyết cho biết, Bưởi da xanh trồng khoảng 3 năm cho thu hoạch, vì vậy trước khi trồng ông đắp thành mô cao nhằm giúp cho rễ cây thông thoáng, bón lót phân chuồng và trồng với khoảng cách từ 5-6 mét/1cây, ở mỗi hàng bưởi ông đào 1 cái mương để giữ nước cho cây và khi trời mưa nước có nơi thoát giúp cây không bị ngập úng. Đến khi cây ra lá non, tiếp tục phun thuốc trừ sâu mỗi tháng 1 lần để giữ cho bộ lá luôn xanh tốt.

 

Theo ông Quyết thì trồng bưởi da xanh không khó, tuy nhiên người trồng phải biết những kiến thức cơ bản nhất định để bưởi cho năng suất và chất lượng cao. Cụ thể, phải bón phân chuồng và NPK định kỳ mỗi năm 3 lần và tùy theo độ tuổi cây mà bón với liều lượng thích hợp. Với 5.000m2 trồng bưởi da xanh của gia đình, ông sử dụng 15 tấn phân chuồng kết hợp 375kg phân NPK rải đều dưới gốc, vào đầu và cuối mùa mưa (trong đó, mỗi lần 1 tấn phân chuồng + 25kg phân NPK cho 1.000 m2).

 

Ngoài ra, ông thường xuyên chăm sóc cây, cắt cành, tạo tán, tỉa bỏ những chùm nhiều trái và chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh hay méo và số lượng trái lưu lại hàng năm dựa vào năm tuổi của mỗi cây bưởi. Nếu cây 3 năm tuổi thì để lại từ 5-10 trái, cây 10 năm tuổi để lại khoảng 100 trái. Đồng thời, ông cũng chủ động tưới nước cho cây vào mùa nắng 1 lần/tuần để giúp cho múi bưởi không bị chai và khô khi chín.

 

Có được kết quả như hôm nay là nhờ sự cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi và chăm sóc. Ngoài kinh nghiệm của bản thân, ông Quyết còn tích cực tham dự các lớp hội thảo, tập huấn và tham quan các mô hình trồng bưởi của bà con nông dân trong và ngoài huyện. Nhờ đó, hiện tại từ 5.000m2 bưởi da xanh trồng chuyên canh ông thu về hơn 30 triệu đồng/năm.

Thanh Hương

Đài truyền thanh Bình Đại

 
In bài viết