Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Trồng thành công bưởi da xanh gốc ghép trên vùng đất mặn
Thứ tư, 22/8/2012 14:44

Vùng đất xã Tân Trung giáp sông Hàm Luông mỗi năm 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt. Hết mùa mưa là hạn mặn kéo dài vì thế việc phát triển cây ăn trái trên địa bàn xã là bài toán khó. Năm 2008, được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (Viện) hỗ trợ nông dân trồng thử nghiệm gốc ghép bưởi da xanh trên vùng đất mặn diện tích 1.000m2 tại hộ anh Trần Văn Phong ở ấp Tân Ngãi, xã Tân Trung. Sau hơn 3 năm thí điểm, mô hình đã thành công mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao. Kết quả, giống bưởi gốc ghép thích nghi với vùng đất phèn mặn và phát triển tốt, cho trái ngon.

 

 

Khi tham gia mô hình trồng thử nghiệm 50 gốc bưởi da xanh, anh Phong được Viện hỗ trợ 100% giống cây trồng và được kỹ sư thuộc Viện thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ cách trồng và bón phân đến lúc thu hoạch.

 

Anh Phong cho biết, sau một thời gian trồng thử nghiệm, bưởi da xanh sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu được độ mặn và thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mùa nước mặn, anh thực hiện tưới nước mặn liên tục, thời gian tưới cách 2 ngày anh tưới một lần mà cây bưởi vẫn phát triển tốt.

 

Chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây bưởi da xanh anh Phong nói: “Để kích thích cho cây ra bông, nông dân mỗi tháng phải bón phân một lần. Riêng đối với giống bưởi da xanh gốc ghép này tiết kiệm được chi phí đầu tư hơn nhiều so với các giống bưởi thường. Cứ cách 3 tháng kết hợp giữa phân hữu cơ và vô cơ anh Phong lại tiến hành bón phân kích thích cho bưởi ra bông, liều lượng bón cũng giảm một nửa so với bón các loại phân trên cây bưởi da xanh ở vùng nước ngọt”.

 

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, sau hơn 3 năm tuổi, vườn bưởi da xanh vẫn phát triển tốt cho năng suất trái cao. Giá bưởi da xanh hiện tại dao động trung bình từ 30.000-35.000 đồng/kg tùy loại. Với mức giá này, bình quân mỗi tháng anh Phong xuất bán gần 100kg bưởi da xanh, thu lợi từ  3 triệu đến 3,5 triệu đồng.

 

Bước đầu trồng bưởi da xanh hiệu quả trên vùng đất mặn nên thời gian sau đó anh Phong đã mạnh dạn chiết nhánh nhân rộng thêm 1.000m2 diện tích trồng thêm 50 nhánh bưởi da xanh. Qua thời gian canh tác, anh Phong chia sẻ kinh nghiệm về ưu điểm của giống bưởi này: cây phát triển nhanh hơn các loại bưởi khác, rút ngắn khoảng thời gian cho trái, giảm tỷ lệ bón phân 3 lần so với các giống bưởi thường. Trồng giống bưởi này tương đối nhẹ ở khâu chăm sóc, thời gian thu hoạch rút ngắn, trồng khoảng 2 năm bưởi bắt đầu cho trái. Đến khi cây kết trái vụ đầu, anh Phong đã hái bỏ hết trái để dưỡng cây, đến năm thứ ba mới bắt đầu dưỡng trái chờ thu hoạch.

 

Để hạn chế côn trùng gây hại trên bưởi, anh còn trồng xen thêm ổi không hạt trong vườn bưởi da xanh. Theo anh Phong trồng xen ổi trong vườn bưởi da xanh vừa tạo độ ẩm và bóng râm cho gốc bưởi và đến khi cây ổi ra hoa sẽ thu hút thiên địch vì thế hạn chế côn trùng tấn công cây bưởi da xanh mà nông dân có thêm nguồn lợi từ cây ổi. Tính chi phí năm đầu anh phong thu lãi từ 1 công bưởi da xanh trên 30 triệu đồng.

 

Khi tham gia mô hình, hộ anh Phong còn được hỗ trợ 80% vật tư chăm sóc, kết thúc dự án Viện giao toàn quyền sử dụng cho hộ nông dân thu hoạch và hưởng lợi từ chương trình thử nghiệm. Có được thành công từ vườn bưởi da xanh anh Phong phấn khởi nói: “Ban đầu, tôi còn lo ngại cây bưởi không chống chịu nổi vùng đất phèn mặn rồi xuất hiện vàng lá như những vụ bưởi trước. Nhưng nay, hiệu quả từ vườn bưởi gốc ghép chịu mặn này tôi rất hài lòng và an tâm mở rộng thêm diện tích trồng bưởi da xanh góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình”.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung cho biết, địa bàn xã Tân Trung là vùng đất trũng, thường hay bị ngập úng, tỷ lệ đất bị nhiễm phèn cao nên chỉ thích nghi với trồng mía và trồng dừa. Trước đây, bà con nông dân đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây có múi như: bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam xoàn,… nhưng phần lớn cây phát triển không đều, mùa hạn mặn xâm nhập cây trở nên èo uột và chết trong tình trạng cây vàng lá. Từ những ruộng mía thu nhập thấp, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương sẽ vận động nông dân dần cải tạo những vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có múi gốc ghép chịu được mặn giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế.

 

Thu Phương

Đài Truyền thanh huyện Mỏ Cày Nam

 
In bài viết