Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Thanh Tân khuyến khích nông dân trồng bưởi da xanh
Thứ ba, 15/5/2012 14:31

Những năm gần đây, Đảng bộ chính quyền xã Thanh Tân đã vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện trồng xen, nuôi xen kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng hiệu quả  kinh tế. Trong đó, bưởi da xanh (BDX) là một trong những loại cây trồng được nhiều người dân chọn làm cây chủ lực kết hợp với trồng xen ca cao, dừa tận dụng diện tích và tăng thu nhập.

 

Mô hình trồng BDX xen cam xoàn của ông Nguyễn Văn Mùa-sinh năm 1935 ấp Thanh Sơn 2 đã có hơn 5 năm tuổi. Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, cộng với những kinh nghiệm lâu năm của người nông dân chính gốc mô hình trồng xen của ông luôn cho năng suất chất lượng cao. Ông cho biết, trước đây cùng với xu thế chung của người dân trong xã là chọn cây cam sành làm cây kinh tế chủ lực, nhưng do đây là loại cây kén đất, tuy cho hiệu quả kinh tế cao nhưng không bền vững và đòi hỏi kỹ thuật cao, nên sau vài vụ thu hoạch 2 công đất trồng cam sành của ông bắt đầu xuống sức, vàng lá, thúi rễ trái rụng nhiều nên ông quyết định cải tạo lại đất trồng BDX kết hợp với cam xoàn.

 

Do đặc tính của cây cam xoàn dễ trồng, ít kén đất hơn cam sành và hợp với cây BDX nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Cả hai loại cây, ông đều bón chung loại phân và cùng một thời gian. Theo ông Mùa khi trồng cây có múi thì cần phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất của 3 loại phân: kali, đạm và phân lân. Phân đạm giúp cây phát triển nhanh, đâm chồi, cây thiếu chất đạm dễ bị còi cọc, ốm yếu, còn phân lân sẽ kích thích bưởi nẩy chồi, đẻ nhánh, thúc đẩy quá trình ra hoa, đậu trái và phòng chống nhiễm bệnh. Tùy từng giai đoạn cây phát triển mà phân liều lượng cho phù hợp. Đặc biệt, khi cây có trái nên tăng cường bón ka li để giúp trái ngọt, không bị rụng, không bị nứt nẻ, vỏ bóng, đẹp, bán được giá cao. Thông thường mỗi năm ông Mùa bón phân 2 lần vào những tháng đầu mùa mưa (tức khoảng tháng 3-tháng 4 âm lịch) giúp phân thấm nhanh và đều vào đất, kích thích bộ rễ phát triển, bổ sung đều chất dinh dưỡng cho cây. Và đến khi kết thúc mùa mưa (khoảng tháng 9-tháng 10 âm lịch) thì tiến hành bón phân lần 2.

 

 Ngoài ra, mỗi năm ông còn tiến hành bồi bùn non lên liếp một lần vào những tháng trước mùa mưa để bổ sung thêm chất dinh dưỡng, kích thích bộ rễ nhanh phát triển và giữ độ ẩm cho cây. Bưởi và cam xoàn là những loại cây trồng chịu hạn kém, nên trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người trồng phải thường xuyên tưới nước cho cây, nhất là trong mùa nắng nóng có thể tưới 2 lần/ngày. Một điều đặc biệt của vười bưởi xen cam xoàn của ông Mùa là từ lúc trồng cho đến nay ông chưa từng phun thuốc cho cây dù chỉ một lần vì sợ làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Thế nhưng vườn cây vẫn phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, vàng lá và cho năng suất cao. Trung bình từ 15-20 ngày ông thu hoạch 1 lần, mỗi lần khoảng 200-300 kg cam, bưởi. Trừ đi chi phí mỗi năm ông còn lời trên 60 triệu đồng.

 

Trong năm qua, giá cả của một số loại trái cây như BDX, cam tương đối cao, ít biến động nên tạo được tâm lý yên tâm và phấn khởi cho người nông dân trong sản xuất, nhân rộng diện tích canh tác. Hiện, toàn xã Thanh Tân có trên 63 ha BDX với khoảng trên 300 hộ trồng, tập trung nhiều nhất tại ấp Thanh Sơn 2.

 

Năm 2011, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành có liên quan mở 12 lớp tập huấn về BDX, ca cao, dừa, nuôi gà thả vườn cho nông dân tham gia. Qua đó nhằm nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm kỹ thuật trong phát triển các mô hình kinh tế đồng thời giúp họ từng bước tiếp cận với khoa học kỹ thuật và các thông tin thị trường để có hướng phát triển kinh tế phù hợp.          

                                                                                       Ngọc Tuyền

 
In bài viết