Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Trồng bưởi da xanh vì giá luôn ổn định
Thứ hai, 19/3/2012 09:56

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Thanh Liêm, ấp 2, xã Lương Phú, Giồng Trôm. Hiện, anh có 10 công đất trồng bưởi da xanh xen cam, quýt. Trong đó 2 công bưởi thuộc dự án phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh nay được khoảng 3 năm, phần còn lại tự trồng nay đã hơn 10 năm tuổi. 

Trước đây, thu nhập chính của gia đình anh yếu từ trồng quýt, sau đó xen cam, quýt. Rồi đến trồng bưởi da xanh xen cam, quýt. Do bưởi da xanh có giá, vì vậy phần quýt trồng trước đây, nếu bị già cỗi cũng được anh thay dần bằng những cây bưởi da xanh. 

 

 

Nhiều nhà vườn chỉ trồng chuyên bưởi da xanh, không trồng chung các loại cây có múi khác vì sợ bị thụ phấn chéo, bưởi sẽ có nhiều hạt. Nhưng anh Liêm rất hài lòng về mô hình trồng xen của mình. Anh nói: “Đâu riêng vì vùng đất của mình, những nhà vườn lân cận trồng các loại cây có múi khác, nếu mình trồng chuyên cây trồng cũng bị thụ phấn chéo”.  

 

Theo anh, bưởi da xanh không cần xử lý cho trái nghịch vụ, vì bản thân cây bưởi cho trái quanh năm nếu được chăm sóc tốt. Chỉ trong dịp Tết nguyên đán 2012 vừa qua, gia đình anh thu hoạch khoảng 2 tấn bưởi, giá 30.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho Hương Miền Tây. Từ đầu năm 2012 đến nay, anh thu hoạch 3 đợt, khoảng 10 triệu đồng. 

 

Về kỹ thuật trồng anh Liêm cho biết, cây cách cây 6m, mỗi bờ rộng trung bình 8m, trồng bưởi da xanh xung quanh dọc theo mỗi bờ, giữa bờ trồng 1 hàng bưởi, giữa các chỗ trống khác anh trồng xen cam, quýt. Do trước đây, mới trồng nên chưa dám đầu tư nhiều, nên vườn còn trồng xen.  

 

Bưởi da xanh của anh bán được giá cao bởi đa số loại I. Để được như vậy, anh Liêm cho biết, nên cắt bỏ những trái xấu ngay từ nhỏ. Chỉ để lại những trái đẹp, cây đủ dưỡng chất nuôi trái giúp trái đạt chất lượng. Về phân bón được anh sử dụng chủ yếu phân hữu cơ (phân gà) kết hợp với NPK khoảng 3 tháng bón 1 lần tùy theo độ tuổi và năng suất của cây mà có liều lượng bón cho thích hợp. Hàng năm, anh dùng phân gà bón lớp dưới, sau đó chặt lá tàu (lá dùng lợp nhà) phủ lên, tiếp theo là dập bùn lên, cách làm này anh Liêm cho biết hiệu quả rất cao. 

 

Để có đủ lượng phân hữu cơ để bón cho cây, hàng năm anh nuôi gà thả vườn 2 đợt, mỗi đợt từ 1,5 đến 2 ngàn con gà. Sau 4 đến 4 tháng 10 ngày có thể xuất chuồng bán, mỗi con có trọng lượng trung bình từ 1,65-1,7 kg, giá dao động từ 70-83 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, anh còn tận dụng phân chuồng bón cho cây trồng bằng cách dùng nấm Tricoderma ủ phân, giúp mau hoai, bón cho cây trồng tiết kiệm chi phí mà tăng hiệu quả. 

 

Bên cạnh bón phân, thì nuôi kiến vàng trong vườn là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Ngoài việc chăm sóc, bón phân thì chất lượng trái bưởi cũng góp phần quyết định lợi nhuận kinh tế. Anh Liêm cho biết, để trái bưởi ngọt, bán giá cao không nên bón nhiều phân đạm, mà nên bổ sung lượng kali thích hợp. Với giá và đầu ra ổn định như hiện nay, anh Liêm cho biết dần dần sẽ chuyển hẳn sang mô hình trồng chuyên canh bưởi da xanh. 

 

Được biết, toàn xã có 2 tổ hợp tác bưởi da xanh, anh là một trong những thành viên của tổ. Tổ thành lập giúp bà con gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Ngoài ra, bà con trong tổ còn tham dự các lớp tập huấn về cây trồng-vật nuôi do xã phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức.

KT

 
In bài viết