Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình trồng bưởi da xanh xen vườn dừa
Thứ tư, 29/12/2010 13:49

Đó là ông Bùi Văn Chỉnh-Tổ trưởng tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành ở ấp 7, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành. Với diện tích 1 ha đất vườn trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa, hàng tháng chỉ tính riêng thu nhập từ dừa là 15 triệu đồng.

 

 

Ông là người con Bến Tre nhưng lại về Đồng Tháp dạy từ những năm 1973. Chính vì niềm mê say công việc làm vườn đã trỗi dậy trong ông, thế là từ một người thầy trên bục giảng ông lại trở về quê hương với nghề nông tay lấm chân bùn.

 

Ai cũng bảo nghề nông khó nhọc, nhưng với ông Chỉnh đó là niềm vui, là động lực giúp ông vươn lên làm giàu. Cũng từ niềm say mê lao động đã thôi thúc ông phải làm gì với mãnh vườn của mình. Ông bắt đầu trồng nhãn, nhưng giá cả bấp bênh, hiệu quả không cao. Từ đó, ông quyết định tìm hướng đi mới cho mình. Dám nghĩ dám làm, ông tìm đến ông Hai Hoa (Chợ Lách) - một trong những người thành công với mô hình trồng bưởi da xanh để mua giống. Riêng dừa giống được ông mua từ Trung tâm Dừa Đồng Gò-xã Lương Hòa-huyện Giồng Trôm. Với diện tích đất hiện có, ông trồng 200 cây dừa và trồng xen 200 cây bưởi da xanh nay được 5 năm tuổi.

 

Theo ông, mô hình trồng xen là không khó, đầu tiên lên liếp, đắp mô và sử dụng phân sinh học làm nền bón lót cho cây. Khoảng cách thích hợp được ông áp dụng là 8m x 8m.

 

Đối với dừa, phải chọn giống tốt, mương vườn phải đảm bảo thoát nước vào mùa mưa, tránh bị ngập úng và thuận tiện trong tưới nước vào mùa nắng. Vì chuyên cung cấp dừa giống nên phải thường xuyên tưới nước để tránh dừa bị treo. Làm sạch cỏ và bồi bùn hàng năm để tăng cường dưỡng chất cho cây. Bên cạnh đó, phải bón phân theo định kỳ, không nên theo mùa, hay thấy dừa có giá thì bón quá nhiều phân, lúc rớt giá không chăm sóc làm cây không đủ dưỡng chất. Ngoài ra, phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện đuông và bọ cánh cứng hại dừa mà có biện pháp phòng trị kịp thời. Thả ong ký sinh diệt bọ cánh cứng cũng là một cách vừa hiệu quả, lại ít tốn kém và không gây ô nhiễm môi trường-ông Chỉnh nói.

 

Đối với bưởi, nên chọn giống có nguồn gốc rõ ràng để hạn chế mầm bệnh. Các bệnh thường gặp trên bưởi là bệnh vẽ bùa, vàng lá greening,… vì thế phải theo dõi và điều trị khi mới phát hiện mầm bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn ra trái non nhất là vào mùa mưa, phải tỉa cành để hạn chế sâu hại tấn công làm cây chết, không hiệu quả. Quét vôi các gốc bưởi hạn chế côn trùn gây hại, không nhất thiết phải dùng thuốc hóa học.

 

Về phân bón, chủ yếu là Lân, Ka-li, NPK và tùy vào độ tuổi và thời điểm của cây mà có lều lượng bón phân cho thích hợp. Do cung cấp dừa giống nên bón phân mỗi tháng 1 lần mới mới đủ dưỡng chất giúp cây cho trái non và nuôi dừa giống.

 

Chọn mô hình trồng bưởi da xanh xen vườn dừa vì theo ông Chỉnh dừa là cây che mát cho bưởi vừa có nguồn thu nhập. Bưởi trồng xen trong vườn dừa tiết kiệm được chi phí bón phân, chỉ cần bón phân cho dừa là đủ. Tuy nhiên, bưởi sẽ cho trái chậm hơn so với trồng bưởi chuyên canh, nhưng trái sẽ to, bóng, đẹp hơn-ông Chỉnh chia sẻ.

 

Trước đây, dừa xiêm được ông cung cấp phục vụ giải khát trung bình mỗi tháng thu nhập 8 triệu đồng. Nhưng theo suy nghĩ của ông, như thế vẫn còn thấp. Từ đó, ông quyết định để dừa cung cấp dừa khô làm giống giá cao hơn (9.000/1 trái). Trong năm 2010 này, ngoài thu nhập 15 triệu đồng/tháng từ dừa, bưởi da xanh cũng cho từ 10-12 tấn/năm.

 

Mặc dù rất bận rộn với công việc chăm sóc vườn của mình nhưng tháng nào ông cũng tổ chức họp tổ đầy đủ. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên trao đổi và hướng dẫn bà con về cách trồng, chăm sóc và phòng trị các loại bệnh hại cây trồng mà ông đã đút kết được từ kinh nghiệm bản thân và học hỏi qua các lớp tập huấn do Trung tâm khuyến nông tỉnh, Viện cây ăn quả miền Nam,…  hướng dẫn. 

H. Nhung

 
In bài viết