Hãy cảnh giác với loài sâu mới gây hại trên bưởi da xanh
Thứ tư, 09/5/2012 09:34

Hiện nay, trên một số vườn cây có múi ở  tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang,… đang bị một loài sâu mới tấn công (phổ biến trên bưởi, cam sành và chanh), gây thiệt hại nghiêm trọng, làm trái rụng hàng loạt, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Ở tỉnh Bến Tre, mặc dù loài sâu này chưa thấy xuất hiện phổ biến, tuy nhiên với diện tích cây có múi (CCM) được trồng khá lớn, đặc biệt bưởi da xanh là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thì đây là đối tượng dịch hại đe dọa lớn cho các vườn bưởi da xanh mà nông dân cần cảnh giác, nhận biết và phát hiện sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng.

 

Thành trùng Citripestis sagittiferella.

 

Theo sự định danh của PGS.TS. Nguyễn Văn Huỳnh-Trường Đại học Cần Thơ thì đây là loài sâu đục trái có tên khoa học là Citripestis sagittiferella, họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Theo kết quả khảo sát bước đầu của Ths Vũ Bá Quan-Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết về hình thái, sinh học và tập quán gây hại của sâu đục trái Citripestis sagittiferella trên CCM, như sau:

 

Bướm có màu từ nâu đậm đến xám nâu, trên cánh trước có những vệt màu đậm dọc theo gân cánh. Bướm nhỏ, có dạng hẹp và dài do cánh xếp dọc thân mình, dài khoảng 10-12mm, khi đậu đầu hơi nhô cao và có 2 râu hơi cong từ trước đầu kéo dài hơn nửa thân mình. Bướm bắt đầu đẻ trứng sau khi vũ hóa 2 ngày, đẻ trứng trên mặt vỏ trái vào ban đêm. Bướm sống khoảng 1 tuần lễ.

        

Bướm đẻ trứng rời rạc từng trứng hoặc từng ổ (4-8 trứng) trên vỏ trái, trứng mới đẻ có màu trắng đục, lúc sắp nở có màu cam đỏ. Trứng có hình như vảy cá nhưng hơi phồng lên như bánh tiêu. Thời gian ủ trứng khoảng 5-7 ngày. Trứng thường được đẻ trên trái non, nhưng cũng đẻ trên trái già khi mật số bướm cao.

Triệu chứng gây hại của sâu đục trái CCM.

 

Sâu mới nở có màu vàng cam, sâu càng lớn thì màu càng đậm hơn, sâu đẫy sức dài khoảng 19-22 mm, có màu đỏ nâu và chuyển sang màu nâu xanh trước khi hóa nhộng. Sâu mới nở đục ngay vào vỏ trái (ở bên trong vỏ trái, sâu khoảng 3-5 mm), ăn vỏ trái sau đó sâu lớn dần, đục sâu vào bên trong để ăn thịt trái. Đường đục của sâu vừa mở đường cho nấm bệnh vừa hấp dẫn ruồi đục trái đến gây hại khiến trái bị thối và rụng sớm. Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 2 tuần. Sâu đẫy sức chui ra khỏi trái và rơi xuống đất để làm nhộng, chúng nhả tơ kết dính các hạt đất tơi mịn và các mảnh vụn hữu cơ lại thành kén để bảo vệ chúng. Nhộng màu nâu đậm, dài khoảng 12-14mm. Thời gian làm nhộng khoảng 10-12 ngày.

 

Bà con cần thăm vườn thường xuyên, phát hiện ngay khi sâu mới bắt đầu gây hại. Triệu chứng trên trái có những lổ đục do chúng đục khoét và mỗi lổ đục có một con sâu non cư ngụ và tấn công. Trong lúc đục lổ, chúng tuôn ra ngoài các chất cạp từ vỏ trái chung cả với phân của chúng nên rất dễ phát hiện. Các chất thải ra, dẽo, hơi nhão dính trên miệng lổ đục. Sâu non gây hại trên trái bưởi khi bưởi đạt kích thước bằng nắm tay cho đến trái sắp thu hoạch. Khi trái bị tấn công thì sau một thời gian bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng rất lớn.

 

Để hạn chế kịp thời tác hại của sâu đục trái Citripestis sagittiferella trên CCM, tránh lây lan trên diện rộng. Từ các kết quả khảo sát và thử nghiệm ban đầu của các nhà khoa học, cần thực hiện một số biện pháp phòng trừ tạm thời như sau:

 

- Nuôi kiến vàng và tạo điều kiện cho kiến phát triển trong vườn CCM.

 

- Thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, sau đó đem tiêu hủy bằng cách đào hố chôn hoặc cho vào bao nylon cột kín lại để diệt sâu còn ở bên trong trái. 

- Cắt tỉa nhánh sau thu hoạch để vườn thông thoáng, kết hợp với việc bón phân bồi sình để vừa diệt nhộng. 

- Khoảng 1 tháng sau khi đậu trái nên tiến hành bao trái bằng loại bao thích hợp. Nên phun thuốc bảo vệ thực vật để “vệ sinh” trái trước khi bao trái.

 

- Vì thuốc trừ loài sâu đục trái này hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có loại thuốc nào đã đăng ký và cho phép sử dụng, nên trước mắt đề nghị nhà vườn cần quan sát và xác định được thời điểm bướm xuất hiện; 7-10 ngày sau khi bướm ra rộ kiểm tra kỹ trên trái nếu phát hiện có dấu hiệu sâu non mới bắt đầu đục (qua dấu hiệu chất thải ra bên ngoài) thì đó là thời điểm phun thuốc (qua khảo sát thực tế nông dân đã áp dụng thuốc có hiệu quả) trừ sâu non tuổi 1 hiệu quả nhất. Sử dụng riêng lẻ (không phối trộn) và luân phiên một trong các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp và dầu khoáng như Cypermethrin, Deltamethrin; có thể phối hợp thuốc nhóm cúc tổng hợp với dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng ở các vườn có ao nuôi cá và chăn nuôi gia súc hay gia cầm. Lưu ý, loại thuốc đặc trị đối với sâu, ít độc đối với thiên địch và môi trường.

 

Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

 
In bài viết