Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Ông Nguyễn Văn Mừng với mô hình trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả  
Thứ ba, 11/1/2011 07:47

Không cho trái theo mùa vụ mà lại xử lý cho cây ra trái quanh năm, được ông Nguyễn Văn Mừng ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, Huyện Chợ Lách áp dụng trên diện tích 5 ngàn mét vuông trồng bưởi da xanh. Với cách làm này đã giúp cho gia đình ông có nguồn thu ổn định hàng năm trên 130 triệu đồng.

 

 

Ông Mừng cho biết, vườn bưởi da xanh của gia đình được trồng cách nay hơn 10 năm, đầu tiên ông mua 50 nhánh bưởi giống tại ấp Mỹ Thạnh An, Thành Phố Bến Tre mang về trồng thử trên diện tích khoảng 2 ngàn mét vuông xen trong vườn sầu riêng Ri-6. Qua 2 năm chăm sóc cây phát triển nhanh và thích nghi với vùng đất này, khỏang năm thứ 4 cây bắt đầu cho trái chiến, từ năm thứ 6 trở lên cây phát triển tốt và cho trái khá sai.

 

Nhìn vườn bưởi xanh tốt cho năng suất và chất lượng cao, ông Mừng quyết định chiết nhánh bưởi da xanh để trồng khắp trên diện tích đất còn lại. Hiện nay, với diện tích 5 ngàn mét vuông, ông Mừng trồng gần 300 cây bưởi da xanh. Trong đó cây cao nhất 12 năm tuổi và nhỏ nhất khỏang 3 năm tuổi.

 

Năng suất bình quân đạt trên 6 tấn trái/năm, cách 1 tháng vườn bưởi da xanh thu  hoạch một lần khoảng 5 trăm kg, được thương lái thu mua tại vườn và đánh giá cao về chất lượng bưởi da xanh của ông. Riêng đợt bưởi bán vào dịp Tết nguyên đán 2011 được ông chuẩn bị khá chu đáo, dự kiến năng suất đạt khoảng 800 đến 1 tấn trái.

 

Ông Nguyễn Văn Mừng  tâm sự “Sở dĩ ông không xử lý cho cây bưởi da xanh ra trái theo mùa vụ mà xử lý cho trái quanh năm là vì không muốn cây phải nuôi trái nhiều mất sức, cứ cho thu hoạch hàng tháng dễ chăm sóc hơn”.

 

Theo ông Mừng, để cây bưởi da xanh phát triển tốt năng suất cao và được thị trường chấp nhận khâu quan trọng là sử dụng nước hợp lý. Theo kinh nghiệm qua nhiều năm trồng bưởi, ông Mừng nhận thấy rằng loại cây này khi trồng phải có bóng râm che mát, nhằm tránh bệnh vàng lá.

 

Ông còn cho biết thêm, bưởi da xanh khó trồng, vì cây dễ bị sâu bệnh nhưng nếu đã biết về kỹ thuật, thì cũng tương đối dễ. Một số bệnh bưởi da xanh thường gặp phải là bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ, sâu vẽ bùa, đốm rong, … để phòng bệnh cho cây, tốt nhất là nên phun thuốc ngừa thường xuyên.

 

Đối với bệnh sâu vẽ bùa, ông dùng dầu khoáng để phun ngừa lúc cây ra đọt. Riêng về bệnh đốm rong, thông qua các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo, lớp IPM trên cây bưởi da xanh và kinh nghiệm của bản thân, ông Mừng đã xử lý bằng cách dùng lưới chà dưới gốc bưởi khoảng cách từ dưới gốc lên trên 1 mét và một năm chà hai lần vào thời điểm đầu và cuối mùa mưa.

 

Ngoài sử dụng nước tưới hợp lý, phân bón cũng góp phần quan trọng trong việc giúp cây bưởi da xanh phát triển tốt năng suất cao. Theo ông, ngoài sử dụng phân hữu cơ bón hàng năm là chủ yếu, để giúp kích thích cho cây ra bông mỗi tháng tôi sử dụng phân NPK 20-20-15 một lần, với trọng lượng 0,5 kg/cây, khi cây ra trái thấy nhánh đậu trái nhiều phải tỉa bới chỉ để lại mỗi nhánh một trái, khi trái to gần bằng cái chén nên che nắng buổi chiều cho trái, mục đích không để trái bị nám…..

 

Trên diện tích 5 ngàn mét vuông còn lại ông Mừng trồng sầu riêng Ri-6, thu họach một năm một vụ vào khoảng tháng 5 âm lịch, có năm thất mùa năng suất không cao, thu nhập ước tính đạt khoảng 30% so với bưởi da xanh. “Qua thời gia gắn bó, tôi thích trồng bưởi da xanh bởi loại cây này cho năng suất cao, thị trường ổn định, 5 ngàn mét vuông diện tích đất còn lại, hướng tới tôi sẽ đầu tư trồng chuyên canh bưởi da xanh”-ông Mừng tâm sự.

 

Bằng kinh  nghiệm thực tiễn, học hỏi từ sách báo, tham dự các lớp tập huấn và là tổ trưởng tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh của ấp Sơn Phụng, đã giúp cho nông dân 54 tuổi-Nguyễn Văn Mừng thành công trong việc chăm sóc và xử lý cho bưởi da xanh ra trái quanh năm. Năm 2009-2010, ông vinh dự nhận giấy khen của UBND huyện Chợ Lách với thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu.

Thảo Vy

 
In bài viết