Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Ông Bùi Văn Chiến: “Trồng bưởi da xanh năng suất cao hơn trồng nhãn” 
Thứ sáu, 08/10/2010 13:16

Bưởi da xanh được đánh giá là loại cây có giá trị kinh tế cao, chất lượng trái tốt được thị trường tiêu thụ mạnh. Cây có ưu điểm: phát triển nhanh, khoảng bốn năm tuổi thì cho trái, trọng lượng trái tương đối lớn (1,2-2,5 kg/trái), trái bưởi màu xanh, ruột đỏ hồng, hương vị ngọt lịm, ráo cơm, đặc biệt cho trái quanh năm... 

 

Với ưu điểm cùng với giá trị kinh tế cao, trong những năm qua nông dân ở huyện Chợ Lách nói chung và nông dân các xã-thị trấn, đã chuyển dần sang trồng bưởi da xanh thay cho các loại cây ăn trái khác, bước đầu mang lại hiệu quả. Trong đó có hộ ông Bùi Văn Chiến ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B. 

 

Ông Chiến cho biết, gia đình ông có 5.000 mét vuông đất trồng cây ăn trái, chủ yếu trồng nhãn tiêu quế. Bước đầu năng suất và hiệu quả cao, tuy nhiên dần về sau nhãn tiêu huế không được thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả bấp bênh. Mặc khác, nhãn tiêu quế lại bị bệnh chổi rồng, không có thuốc đặc trị, làm giảm năng suất. Thông qua báo, đài ông nhận thấy có nhiều nông dân trong và ngoài huyện từ nghèo khó vươn lên làm giàu từ bưởi da xanh. Tứ đó, ông Chiến học hỏi, tham quan và tìm tòi sách báo nói về kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, xem có phù hợp với mảnh vườn của gia đình hay không. Khi có kiến thức về trồng bưởi, ông Chiến tìm mua cây giống bưởi da xanh ở xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Nam mang về trồng xen trong vườn nhãn.  

 

Thấy cây bưởi phát triển tốt ông đốn dần cây nhãn, hiện nay diện tích cây nhãn tiêu huế trong vườn còn khoảng 20%, và phần còn lại là bưởi da xanh (trên 200 cây), chiếm trên 80% diện tích, được trồng với khoảng cách dài 6 mét và ngang 4 mét.  

 

Bưởi da xanh tại vườn ông Chiến được trồng cách nay 5 năm, đây là năm thứ 2 cây bắt đầu cho trái, vì loại cây tơ nên ông Chiến rất quý và chăm sóc tĩ mĩ, ông không xử lý cho cây ra trái quanh năm mà chỉ cho trái vào từng thời vụ. Một năm ông để trái hai mùa, bán vào thời điểm tháng 5 và tháng 12 âm lịch, vì theo ông, bán bưởi ở thời điểm này giá cao hơn so các tháng trước đồng thời đảm bảo cây luôn phát triển tốt. 

 

 Ông Chiến cho biết, trong mùa vụ tháng 5 vừa qua, vườn bưởi nhà ông cho năng suất khoảng 3 tấn trái, giá bán dao động từ 15.000-23.000đồng/kg. Sau khi trừ chi phí khoảng 5 triệu đồng, gia đình còn lãi 30 triệu đồng. Dù nguồn thu này không lớn nhưng với ông Chiến xem như bước đầu trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả cao hơn so trồng nhãn.  

 

Ông Chiến cũng cho biết thêm kinh nghiệm để xử lý cho cây bưởi ra trái vào thời điểm tháng 5 âm lịch “Trước khi muốn xử lý cây bưởi cho trái, nên chọn cây bưởi sung tốt. Vào đầu tháng 8 âm lịch ông bắt đầu xử lý bằng cách siết nước cho cây và rãi phân lân với trọng lượng khoảng 1kg/cây, đến 1 tuần sau là chọn những lá già của nhánh chèo trong thân cây để lãi lá (cách lãi lá này nhằm mục đích chọn nơi thích hợp cho cây ra hoa) và tùy theo cây lớn nhỏ chọn nhánh để trái, thông thường một cây ông chọn để trái khoảng 40 đến 50 trái/cây. Siết nước được 1 tháng, đến đầu tháng 9 khi thấy cây nhú bông, rãi phân 16-8 với trọng lượng 0,5ký/cây+ 4 kg phân hữu cơ/cây và thời điểm này tăng cường lượng nước tưới, mùa nắng cứ 2 ngày nghỉ là một ngày tưới. Sau khi cây đậu trái, tiếp tục rãi phân 15-15-15 trọng lượng khoảng 0,2-0,3 kg/cây, cách nữa tháng rãi một lần, rãi khoảng 6 lần,  khi thấy bưởi sắp già trái là ngưng không rãi. Ông chiến còn cho biết thêm: Nếu giai đoạn này thấy trái bưởi không tốt, muốn trái tốt đảm bảo màu da xanh đẹp nên tăng cường bón thêm Kali, trọng lượng khoảng 200 gram/cây. 

 

Đối với cách chọn cho bưởi bán trái vào thời điểm tháng 12 âm lịch, ông Chiến cũng xử lý tương tự như cách làm trái của mùa vụ tháng 5, nhưng thời điểm chọn xử lý là khoảng giữa tháng 3 âm lịch. 

 

Ngoài kinh nghiệm nói trên, việc chăm sóc cây bưởi xem ra cũng rất khó vì cây dễ bị bệnh như: vàng lá, rệp sáp, rệp dính, úng rễ… Do đó với ông việc vệ sinh thường xuyên cho gốc bưởi cũng là một điều quan trọng. 

 

Có được kinh nghiệm trên là nhờ ông chịu khó học hỏi, thường xuyên tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi đặc biệt là mô hình trồng bưởi da xanh của bà con nông dân trong huyện. Ngoài ra ông còn tham dự các buổi hội thảo, tập huấn kiến thức về trồng, chăm sóc bưởi da xanh và tham gia vào mô hình tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh trong xã… 

 

So với các loại cây ăn trái khác, trồng  bưởi da xanh xem ra thích hơn nhiều, vì cây cho trái tốt, năng suất cao, thu được nhiều lợi nhuận, dự kiến trong thời gian tới sẽ đốn hết số cây nhãn còn lại trong vườn và chuyển sang trồng chuyên canh cây bưởi da xanh-ông Chiến nói. 

Trúc Ly

 
In bài viết