Kỹ thuật trồng bưởi da xanh theo phương pháp IPM
Thứ sáu, 10/2/2012 10:07

Với 12 năm kinh nghiệm trồng bưởi da xanh chuyên canh, ông Nguyễn Văn On ở ấp 3, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại đã áp dụng kỹ thuật trồng theo phương pháp khoa học IPM thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

  

Từ 3 công đất trồng bưởi da xanh đã cho trái, mỗi tháng bình quân mỗi gốc 5 trái, ông cũng thu hoạch được 350kg. Như vậy, mỗi năm ông On thu về trên 80 triệu đồng, tổng năng suất 4.200kg. Đặc biệt, đợt nào thu hoạch bưởi ông On cũng bán với giá cao, từ 18.000-29.000 đồng/kg, tùy theo mùa và được thương lái ưa chuộng, nhờ trái bưởi có hình dáng đẹp, trái đều, múi bưởi to.

 

Theo kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm của mình đã cải tạo thành công vườn bưởi lão hóa, ông Nguyễn Văn On cho biết: “Năm 1999, tôi bắt đầu khai hoang đất tạp, đánh lép nhẹ, cách đều mỗi hàng, tôi đào một mương nước cạn, rồi mua 210 gốc bưởi da xanh về trồng, nhưng những năm đó do chưa biết gì về phương pháp trồng khoa học, kỹ thuật nên sản lượng trái rất thấp, cây bưởi còi cọc, múi bưởi đa phần bị sượng và nhạt. Năm 2004, qua tham gia các lớp hội thảo trồng cây có múi áp dụng phương pháp IPM và phòng trừ sâu bệnh bằng cách sử dụng thuốc sinh học do Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức. Sau đó, tôi về thực nghiệm trên vườn bưởi lão hóa của gia đình, từ đó đến nay năng suất bưởi cho trái tăng từ 1 đến 2 lần so với trước, cây bưởi phát triển tốt, bên cạnh đó còn có thể tiết kiệm được chi phí trồng, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, trong đó tôi chỉ chú trọng sử dụng phân hữu cơ kết hợp sử dụng nấm Tricoderma và dầu khoáng mỗi tháng một lần. Cụ thể, khoảng 350kg phân hữu cơ, 50kg phân kali và 150kg DAP, đồng thời mỗi năm bón lót thêm 100kg phân u-rê định kỳ và thường xuyên tỉa bớt cành và những trái bưởi còi cọc….”.

 

Từ đầu năm đến nay, ông On đã hái được khoảng 3.500kg, lợi nhuận thu về trên 35 triệu đồng, hiện vườn bưởi ông đang cho trái sai để chuẩn bị hái đợt trái tiếp theo. Ông On còn cho biết thêm, cây bưởi da xanh dễ trồng lại thích hợp trên vùng đất thịt phù sa…”.

 

Theo đánh giá của nhiều nông dân của xã, trái bưởi da xanh trồng trên đất phù sa của ông On có một đặc trưng nổi bật rất riêng mà không phải vùng đất nào cũng có, đó là vị ngọt của trái bưởi rất thanh, ruột có nhiều nước.

 

Nhận thấy hiệu quả từ cây bưởi mang lại, trong 3 năm trở lại đây, nhiều nông dân trong xã đã cải tạo vườn nhãn, một loại cây ăn trái chủ lực để trồng xen bưởi, qua học hỏi kinh nghiệm từ ông On, bước đầu nhiều hộ dân đã áp dụng thành công và tăng nguồn thu nhập kinh tế gia đình gấp 2 lần so với độc canh cây nhãn. 

Thanh Hương

 
In bài viết