Kỹ thuật trồng bưởi da xanh của anh Lê Quốc Dũng 
Thứ tư, 28/12/2011 16:21

Mô hình trồng bưởi da xanh xen nhãn tiêu quế và sản xuất theo quy trình IPM của anh Lê Quốc Dũng ở ấp 3, xã Tam Hiệp huyện Bình Đại được đánh giá là mô hình trồng có kỹ thuật khoa học, cho năng suất, sản lượng cao từ năm 2005 đến nay.

 

Với 2,7 ha đất vườn trồng nhãn tiêu quế, hàng năm anh Dũng thu về trên 250 triệu đồng. Tuy nhiên, nhằm phá thế độc canh cây nhãn, với mong muốn tăng thêm nguồn thu nhập trên 2,7 ha đất vườn. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm qua các phương tiện báo, đài và thường xuyên dự các lớp tập huấn, hội thảo khuyến nông, trong đó có kỹ thuật trồng theo quy trình IPM trên cây có múi, đặc biệt áp dụng trên cây bưởi và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không gây ô nhiễm môi trường do cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tổ chức, anh Dũng nhận thấy cây bưởi da xanh là loại cây dễ trồng xen trong nhãn và cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Năm 2005, anh Dũng mua 400 gốc bưởi da xanh về trồng xen trong nhãn và từ đó đến nay, hàng tháng anh thu hoạch trên 100kg trái, bình quân mỗi trái đạt từ 1,4-1,7kg, bán với giá 18.000 đồng-30.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được trên 2 triệu đồng. Như vậy, trong 1 năm anh Dũng thu 24 triệu đồng từ cây bưởi da xanh, sau khi trừ chi phí.

 

Theo anh Dũng, để cây bưởi trồng xen trong nhãn cho trái đều, ngon, mẫu mã đẹp, anh áp dụng kỹ thuật trồng theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây theo quy trình IPM, cụ thể là: “Giai đoạn đầu khi cây chưa ra hoa, bón phân đạm, lân và hữu cơ để giúp cây phát triển tốt; ở giai đoạn kích thích cây ra hoa, đậu trái bón phân lân và kali; giai đoạn đậu trái thì bón đạm và kali, đến giai đoạn cuối để cây nuôi trái thì bón phân kali và hữu cơ, đồng thời hàng tháng kết hợp với nấm Tricoderma, dầu khoáng bón đều cho cây bưởi để phòng trị nấm bệnh gây hại trong đất làm thối rễ cây, thân cây và tránh hiện tượng xì mũ trên nhánh bưởi rất hữu hiệu, đặc biệt trong giai đoạn nuôi trái, phân hữu cơ giúp trái bưởi bóng, đẹp, có nhiều nước”.

 

Anh Dũng cho biết thêm: “Từ những kỹ thuật đúc kết được, mạnh dạn ứng dụng trong xen canh vườn nhà là sử dụng phân hữu cơ không chỉ có tác dụng tốt trong việc cải tạo đất mà nó còn giúp cho cây bưởi, nhãn luôn xanh tốt, có thể kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm được chi phí trong quá trình canh tác, điều quan trọng nhất là hạn chế được dịch bệnh ngầm tấn công, tạo ra hệ sinh thái bền vững trong diện tích vườn trồng và giúp cây nhãn phát triển tốt hơn so với trước”. 

 

Nhờ sử dụng hiệu quả phân hữu cơ và quy trình IPM, sau 5 năm canh tác đến nay vườn bưởi da xanh xen nhãn tiêu quế của gia đình anh Dũng vẫn cho năng suất ổn định, sản lượng cao, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Thanh Hương

 
In bài viết